Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

ĐÔI BOOTS XỈN


Gia đinh chúng tôi hằng năm cũng ăn lễ Noel vào ngày 25/12 . Ngày 24 thì dành cho gia đình con cháu nào có đạo. Còn mình ngoại đạo thì coi như ngày sum họp gia đình, nội ngoại đều về gặp nhau ăn uống, tặng quà ...ai làm món gì thì đem tới món nấy, trẻ con thì mở quà và vui chơi với nhau...Sau những ngày làm việc mệt nhọc, cuối năm cùng nhau chuyện trò ôn lại chuyện vui buồn đã qua ...và rút kinh nghiệm cho những ngày sắp tới...

Buổi tiệc gia đình rất vui vẽ, ấm cúng . Noel năm này nhà tôi có thêm cô dâu mới.
Ông con rễ tôi nướng một con gà tây, nên khi bắt đầu tiệc là phải chụp hình con gà tây để có chứng cớ là có đem đồ ăn hùn hạp...không thôi sợ mọi người chọc là không có gì ! Ăn uống no nê rồi thì mở quà.

Lúc mở quà tôi là người auction sell, to họng nhất, ( nên về nhà là bị khan giọng, ho ) gọi tên gói quà của từng đứa một ...năm nay có tớí 6,7 gia đình , có tới 14 đứa cháu nên tôi khan cả cổ họng, sau đó là ...ho .. biến thành giọng vịt đực, chứ không còn the thé làm điếc lỗ tai những người ... muốn nghe !!!

Có lẽ năm nay kinh tế xuống nên quà cáp không xôm tụ bằng năm ngoái, duy grandma là nhiều quà nhất, ngoài những áo đẹp, còn có những hột đá quí và những bì thơ...có lẽ con cháu hiểu, người già thì như con nít, nên cháu vui thì bà cũng vui.

Trước khi ra về thì dọn sạch sẽ ...ai thích món gì thì cứ việc cho vô hộp đem về, để gia chủ khỏi ráng ăn tiếp ....
Sau tiệc này thì sui gia mời ăn tiếp...Cứ tưởng là no rồi, sẽ không ăn nỗi nữa. Vậy mà khi tới đó nào là bò tái chanh, bánh nậm, bánh bột lọc, cuốn khoai lang với mắm tôm chua ...rồi bún tôm cua...không từ chối món nào, còn thêm một ly rượu chát nữa (ở nhà đã 2 ly rồi).
Nói về ăn thì NS là hạng super rồi .Ai cũng khuyên tui ăn bớt lại, nhưng có bớt được chút nào đâu, nên ngày càng lên cân, mập mà lùn nữa chớ ! càng già thì tăng bề ngang mà rút bề dọc!

Ăn xong ai nói chuyện thì nói, tôi và một vài cô dâu xuống coi PARIS BY NIGHT 98.
Có một số cháu nhà này hôm nay mới tới nhận quà NOEL nên tụi nó mở quà, nhưng trong không khí yên tĩnh chứ không ồn ào, rộn ràng như bên nhà tôi.
Đến gần một giờ sáng, mới nghe mọi người chuẩn bị đi về...
Có vài gia đình đã ra trước, tiếp đó là gia đình tôi...giày dép thì để ngay cửa, của ai thì người đó cứ việc xỏ chân vào...

Tôi thấy đôi boots của mình ngay trước mặt nên xỏ chân vào không do dự...
Ra leo lên xe ngồi, vì trời tuyết lạnh nên lên xe là chờ xe ấm, chẳng để ý gì nữa. Một lát ông con rễ chạy ra nói:
- Má ơi,má mang lộn boots của VÂN ANH.
- Vậy hả ? tôi vội cởi ra cho nó đem vô đổi.
Một lát nữa thấy nó đem boots trả nói không phải !! tôi lại mang vô , cũng không để ý.
Một chặp nữa một người khác chạy ra cầm đôi boots đưa cho tôi và nói :

- Dì ơi , dì mang lộn rồi , tôi lại tháo ra đổi lại . Mọi người nói dì xỉn rồi ? Tôi không biết ai xỉn nữa, vì chính cô chủ nhân của đôi boots còn chưa nhận ra giày mình .
Tôi thì cũng có chút lý do, vì đôi boots con gái mới cho, còn mới quá nên tôi chưa biết rõ là cuả mình, vã lại ban đêm trời tối không nhìn rõ.
Sau mới biết hai đôi boots khác nhau, đôi của tôi mới số 6 không có dây, còn đôi của VÂN ANH cũ số 8, có dây ...vậy mà ban đêm nhà tranh cũng như nhà ngói !!! hay là mình xỉn ?
Về nhà đi ngủ để ngày mai còn đi tiếp MONTRÉAL.

SK 30/12/2009

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

CHỊ và EM

Chị cũng như em nợ cuộc đời
Ba chìm ,bảy nổi,chín ...chơi vơi,
Tháng ngày nhấp nhổm ,tim dao động,
Cõi tạm trả vay đến hụt hơi

Chị em mình có khác gì nhau
Lo chuyện nắng mưa sớm bạc đầu,
Lo mẹ giờ đây già lọng cọng
Lo em ,lo út trước và sau

Chị em mình tuổi cao vời vợi
Lận đận lao đao để lại đời
Ôm ấp chi hoài vòng lẫn quẫn
Cõi thiền tìm đến dễ dàng thôi

Chị giờ có khác em rồi đấy
Con cháu đầy đàn luôn bủa vây
Đôi lúc mệt nhoài,song hạnh phúc
Còn em ,đợi đến bao giờ đây ?

Hồng Phượng 27-12-2009 VN

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

NGÀY LỄ NOEL VÀ NĂM MỚI


Phượng thương mến,

Lâu lắm rồi chị chưa hề tâm sự với Phượng cũng như với các em, mà chỉ có la thôi, la cái này cái kia mà các em không bao giờ cải, nhưng chưa chắc chị la đã là đúng, vì cái gì chị nghĩ ra là phải nói liền, không để lâu nó sẽ nguội ...mất ngon !
Thường thường chỉ là vấn đề gia đình lo lắng cho ba má các em, nay ba không còn nữa, còn má và các em, chúng ta càng phải chăm sóc nhiều hơn.
Mọi việc chị đã phân trách nhiệm đâu ra đó cho các em , nhưng có những điều đã xảy ra ngoài ý muốn, hay do sự chểnh mãn của các em, nên lâu lâu chị cần phải nhắc nhở lại . Mỗi lần như vậy, có thể không đụng chạm người này , thì cũng người khác.
Lần này thì Đ,Đ và PHƯỢNG.


Đ3 trả lời chị :
- Em hiểu...

Đ2 gởi lại : _
- Em đã đọc thư chị...
Phượng thì do TH chuyển lại.

PH chưa có dịp trả lời chị ... nhưng chị biết như PH cũng cảm thấy chị nói không sai . Nên chị cũng thấy ổn phần nào .
Chị mở đầu hơi dài dòng chút cho đề tài của chị là NGÀY LỄ GIÁNG SINH.

Hai mươi mấy năm xa quê hương, gia đình mình cũng mỗi ngươi đều có tiểu gia đình riêng không còn những ngày thơ ấu bên cạnh ba má để còn sum họp, ăn uống, đánh bài trong những đêm NOEL và TẾT nữa. Những lần về TẾT thì vội vàng, bận rộn, ba má thì già, nên không còn không khí rộn ràng như ngày xưa, chỉ còn lại bữa ăn, nâng ly, nói chuyện ồn ào ...là vui nhất thôi. CHỊ EM đứa nào cũng già ...Tóc còn bạc hơn má, nhưng nhờ nhuộm nên không thấy.

Có người đã mail cho chị và nói rằng ...hồi xưa người ta gọi mấy chị em ...là TIÊN NỮ, nhưng ngày nay thì là ...MA NỮ... cũng ĐÚNG THÔI, không chối cải chỗ nào, vì mấy chục năm qua, ai cũng trên 6,7 bó rồi ...còn gì nữa mà tiếc...hoạ may còn những vần thơ TÀO LAO để cho ấm lòng lúc cuối đời.

Hồi chị qua SÉNÉGAL, cứ mỗi rằm, mồng một chị đều cố tìm hoa quả để cúng ngoài trời. Sau làm việc có tiền thì mua hoa quả, nhang đèn cúng trời đất, cầu bình an ...
Bên đó trời nóng, ban đêm thì mát, nên có ra trước sân cúng cũng không sao, chị ở ngay bờ biển nên chẳng có nhà nào bên cạnh, chẳng ai dòm ngó mình làm gì...chỉ có ông gác gian phải canh chừng nhà thôi.

Nhưng từ khi qua CANADA thì tục lệ này phải tạm ngưng, vì ban đêm trời lạnh quá, hơn nữa ở đây họ đều là THIÊN CHÚA GIÁO, hoặc đạo khác mình không biết. Không ai cúng ngoài trời, ngay cả cái bàn thờ trong nhà cũng không có. Tuy vậy chị cũng có một ngăn hộc trên cao thờ ông bà nội các cháu.
Bây giờ thì khác rồi, nhà nào cũng có bàn thờ và chùa chiền rất nhiều và rất đẹp...mỗi tuần có phương tiện thì đi chùa cũng vui.
Chị kể Phượng nghe chút chuyện về lễ GIÁNG SINH và đi nhà thờ.

Hồi bên SÉNÉGAL lễ NOEL cũng lớn, ở RESTAURANT ALMADIES đa số là người PHÁP. Còn người SÉNÉGALAISE thì theo đạo HỒI, chỉ trừ bà vợ ông TỔNG THỐNG lúc thời bấy giờ là đạo THIÊN CHÚA.

Ở Canada, gia đình chị được nhà thờ PENTECÔTE bảo lảnh, nên khi mới đến là được cha đưa đón đi nhà thờ rất tận tình. Chị có nói với vị linh mục là để con tôi đi, còn tôi không có đạo. Nhưng ông nói không sao, con cứ tới để học tiếng ANH.

NGÀY LỄ GIÁNG SINH

"Chúng tôi đã đi nhà thờ suốt mấy năm trời rất vui, người chịu khó học BIBLE nhất là TÔI. Các con tôi lần lần cũng làm biếng đi, nên người còn lại tiếp tục đi nhà thờ là tôi.
Bao nhiêu năm học, ngoài từ khi CHÚA tạo dựng thế giới, con người trong 7 ngày...tôi chỉ còn nhớ mỗi một câu trong BIBLE là JESUS YESTERDAY, JESUS TODAY and JESUS TOMORROW...

Sau khi dọn đi một thành phố khác, người VN bắt đầu xây dựng CHÙA và tôi đi chùa.
Nhưng ở đây thì không khí GIÁNG SINH rất tưng bừng . Cứ đến muà này thì thiên hạ rủ nhau đi mua sắm rầm rộ, tôi và các con cũng theo dòng người lủ lượt vào các MALL mua sắm đủ thứ cho ngày lễ và cũng dựng cây NOEL trong nhà , chăng đèn kết hoa đủ thứ . Mỗi người trong gia đình đều có quà cho nhau đến đêm 24 là cũng làm RÉVEILLONS.

Có một đêm 24 năm nào, mấy mẹ con bị hư xe trên đường, con gái bị lạc tay lái xém chút nữa mấy mẹ con bị lọt xuống rảnh, may nhờ có một cây sắt nhỏ bên đường chận xe lại. Chúng tôi leo xuống xe thì có một chiếc xe ngừng lại, bốn cậu thanh niên liền xuống xe và cùng nhau khiêng chiếc xe của chúng tôi lên lại trên đường, chúng tôi cám ơn và con gái lái tiếp lên cầu thì xe tắt máy . Nhiều xe đi ngang đều ngừng lại hỏi, có cần gọi xe kéo không ? _YES !
Mấy chiếc xe kéo đến lận, nhưng chúng tôi chỉ chọn chiếc đầu tiên, ngồi trên xe kéo mà thấy vui, vì khỏi phải ăn lễ nửa đêm trên đường . Về tới nhà viết chèque 75 đô , có nghĩa là 75 km.

Do đó đối với chúng tôi lễ GIÁNG SINH cũng là một lễ lớn trong năm cho người có đạo hay không đạo. Lễ này học sinh đươc nghỉ 2 tuần, nhân viên làm việc cũng được nghỉ mấy
ngày, và nhân dịp này con cái, bạn bè ở xa còn về thăm nhà, và thăm hỏi nhau .
Khi con cái còn nhỏ thì không khí gia đình là mấy mẹ con, ai cũng có quà, như khăn quàng cổ, áo, quần, bánh, kẹo, chocolate .... có khi hỏi trước ai cần thứ gì thì cho thứ đó, nên lúc mở quà ai cũng vui...mà người rộn ràng nhất lúc nào cũng là TÔI.

Hồi trước thì là quà của con tặng, bây giờ thì của cháu tặng, dù là cái gì, cái mủ, cái aó, cái quần...khi mở ra cũng làm mình cảm động cả. Các con tôi thì sau này chỉ LÌXÌ cho tôi, vì biết năm nào tôi cũng cần QUÀ gởi về VN.

Bây giờ NIỀM VUI GIÁNG SINH chuyển sang các cháu, thôi thì đủ thứ đồ chơi, trên cây NOEL chất nhiều thứ, nào là CD, nào là áo, quần ... Nhưng năm nay kinh tế xuống, nên cây CHRISTMAS cũng bị ảnh hưởng mà nhỏ đi, và quà cáp xem cũng không đươc xôm tụ như mấy năm trước. Tuy vậy, việc tụ họp gia đình là không năm nào thiếu được. Như một thông lệ bất thành văn, mỗi nhà làm một món, ai không làm được thì đặt, miễn sao có món góp lại là được rồi. Mỗi năm thì chọn một nhà rồi mọi người tụ tập đến đó.
Nhà tôi thì thường tổ chức vào chiều tối ngày 25, còn ngày 24 thì nhường cho những gia đình nào có đạo về phía bên nội hay ngoại... Sau đó chụp hình kỹ niệm hàng năm, xem con cháu mỗi năm lớn chừng nào, và người lớn thì già bao nhiêu...Năm nay nhà tôi lại thêm một cô dâu mới... Vậy là đại gia đình tôi có 4 cặp, 1 cặp CHÓ, 1 cặp CỌP , 1 cặp HEO và 1 cặp NGỰA... đây cũng là chuyện hiếm có...

Do vậy ý nghiã ngày NOEL của chúng ta là một ngày lễ lớn trong năm và cũng là ngày sum họp của mọi gia đình, chứ không phải ngày riêng của THIÊN CHÚA, vì hình như vô hình chung mọi người đều chấp nhận ngày này làm ngày sum họp gia đình.
NS

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

CHIÊM BAO

Ta về ôm gối ngủ đông
Trời chưa rét mướt mà đong nỗi đầy
Gió chiều trở lạnh đâu đây
Áo xưa đan dở, cất vào lảng quên
Bây giờ tóc bạc, tình mềm
Chắc người ấm giấc, tay êm gối nồng

Bên ta gió buốt lạnh lùng
Ai còn ấm áp,mặn nồng, quên ta ?
Si mê trong giấc mơ xa
Chiêm bao đừng để hồn ta vô tình !

KIM CHI

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

NOEL NĂM NÀO...


Một NOEL năm nào đó ,tôi không còn nhớ rõ...lúc này nhà tôi vẫn còn nghèo, Ba tôi vẫn là trụ cột chính, các em còn đi học (có lẽ 64-65). Ba tôi cũng mới tậu được một cái vườn nhỏ ởphiá sau CÔNG QUẢN NƯỚC . Ba cất được cái nhà nhỏ lợp bằng nắp tôn thùng dầu hắc, loại tôn này thì rất chắc chắn, nhưng cũng có giột,vì căn nhà giữã của chúng tôi đến mùa mưa là phải xách xô hứng mấy nơi.
Vườn nhà là đất rừng mới khai khẩn, nên ba tôi chưa trồng trọt gì và cũng chưa có người trông coi. Thỉnh thoảng cuối tuần Má tôi nấu một nồi BÚN BÒ , rồi Ba chở cả nhà ra đó PICNIC .Ba biểu mời thêm thầy CHI và thầy LỂ cùng ra chơi. Ăn uống , rồi đi dạo chơi quanh vườn đến chiều về.

Đến NOEL thì nhà đã có người ở trông coi . Tôi không nhớ ông già ở đó có gia đình không. Ông là người HUẾ hay QUẢNG TRỊ gì đó , cũng nghèo nhưng rất tốt. Chiều hôm 24 NOEL, cả nhà vẫn im lìm vắng vẽ, chúng tôi không có gì để chuẩn bị cả . Vì nhà tôi là đạo PHẬT nên ba tôi cũng không lưu ý lễ của người Thiên Chúa giáo. Chỉ có tôi là bày trò khi các em còn nhỏ đêm NOEL tụi nó ngủ, sáng ra thấy ở mỗi góc mùng đều được treo mấy gói kẹo , nói là của ÔNG GIÀ NOEL đêm qua đem xuống cho...
Hồi trước khi còn ở DÀLẠT, năm nào tôi cũng có người đưa đi NHÀ THỜ CON GÀ, nếu không có Ba tôi về thăm nhà (Ba tôi đổi đi làm ở BMT) thì tôi được Má cho đi. Còn có Ba về thì không dám đi.
DÀLẠT mùa NOEL trời lành lạnh đủ để trong mặc một cái áo len mỏng, ngoài khoác thêm áo măng tô, dắt tay nhau thì cũng đủ ấm rồi. Mặt hồ phủ một lớp sương mù, thấp thoáng ánh đèn, tạo một khung cảnh huyền diệu thơ mộng ...Đi NHÀ THỜ đêm NOEL là cái mode, thiên hạ lũ lượt rủ nhau từng cặp, hoặc từng đoàn, có anh chị em trong gia đình, đi lượn quanh nửa bờ hồ...rồi đi lên dốc nhà thờ.

Đường dài ngoằn ngoèo như con rắn màu vàng, vì đa số là sinh viên VBQG, mỗi chàng một cô...nhưng không có tôi , vì chàng của tôi là dân sự .
Gọi là đi diễn hành thì đúng hơn . Chúng tôi cũng vào nhà thờ, chấm nước THÁNH trong mấy cái vỏ ốc bự như cái thau, lòng rất tin tưởng vì CHÚA đã ban phước lành . Ai muốn cầu nguyện sao đó thì cứ thì thầm xin CHÚA :

- Cho con gặp được duyên lành ...

- Cho con lấy được người con yêu...

Hồi đó tôi nghĩ là tôi cũng cầu nguyện như vậy.

Rồi gia đình tôi dọn sang BMT. Tôi bỏ lại thành phố DÀLAT thơ mộng, bỏ luôn người yêu... Thay đổi vị trí là thay đổi cả cuộc đời, hồi đó tôi chưa nghĩ ra, nhưng khi nghĩ ra thì mọi sự đã muộn màng, tôi tự mình đánh mất tất cả hạnh phúc nhỏ bé đáng lý là tôi có được. Tôi tự an ủi là số phận, nhưng thật đúng ra là LỖI TẠI TÔI.

Nhắc lại NOEL ở BMT, chiều 24 rồi chúng tôi cũng chẳng làm gì, các em không biết bạn bè có mời không . Tôi thì không ai mời, nên tôi ở nhà với BA MÁ.Ông già coi vườn vào thăm, hỏi Ba tôi :

- Noel Bác không làm gì à ? Ba tôi cười :

- Có chi mà làm ?

- Ngoài vườn ông có chi ăn được không , đem vô đây.

Ba tôi chỉ hỏi chơi thôi, vậy mà ông nói, không có chi hết, có mấy con gà giò, cũng trộng trộng, nếu bác muốn tui về nướng rồi đem vô nhậu cho vui...Sau đó, như ông về nướng con gà đem vô đêm đó ngồi chơi với Ba tôi thì phải...

Có lẽ đó là đêm NOEL buồn nhất ...vì qua đây hình như chúng tôi không có cái thú đi lễ đêm NOEL nữa...Có lẽ không còn khung cảnh thơ mộng , không còn người yêu năm xưa...

NS

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

MƯỜI MỎI


Người ta trăm thứ mỏi chơi
Còn tôi mười thứ mỏi đời vu vơ
Mỏi con mắt ở nơi xa
Mỏi môi chào hỏi,mỏi lời nói năng
Mỏi thôi luôn cả nụ cười
Mỏi lòng chờ đợi,mỏi tình trăng sao
Mỏi tay tô điểm má đào
Mỏi chân lên núi tìm người làm thơ
Tình yêu đã mỏi giấc mơ
Chút tình hờ hửng nên vờ mỏi yêu !
NS

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

HOA CẢI


Một khoảng không gian trải sắc vàng
Đong đưa theo gió chuyển mùa sang
Bông hoa xinh xắn, hoa đồng nội
Gợi nhớ cội nguồn bao xốn xang
Ứơc gì sóng bước đi bên nàng
Những luống cải con sương vội tan
Lấp lánh nắng mai vờn khóm lá
Lung linh rực rỡ cánh đồng vàng
Ngần ấy thời gian chiêm ngưỡng em
Tuy môi không nhấp vẫn say mèm
Say hương hoa cải nồng trong gió
Say tóc em bay trải bóng thềm
Hà nội mừng vui vì có em
Níu chân du khách từ xa đến
Ngẩn ngơ say sắc hương hoa cải
Vàng trắng đan xen óng mượt mềm

HP

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

NGÓN TAY BỊ THƯƠNG

Hôm qua (7/12/2009) cả nhà đi vắng, mẹ các cháu về đem CYNTHIA và DYLAN đi bác sĩ. Tôi ở nhà một mình nên đi đóng lại các màn cửa, vì trời tối rồi.
Màn cửa bằng gỗ xếp,2 cánh xếp lại với nhau, và có từng thanh xếp ngang chỉ giơ tay vuốt là đóng nắp lại hết. Lúc đưa tay phải đóng cánh cửa, tay trái tôi vịn giữa cánh kia, mắt thì nhìn ra ngoài coi đèn NOEL của nhà bên cạnh, lơ đểnh thế nào khi khép cánh cửa lại thì ngón tay đeo nhẩn của tôi ở giữa 2 cánh cửa. Eo ơi đau quá, rút lẹ ngón tay ra thì đã chảy máu, như một nửa móng tay muốn tróc ra .

Chờ bớt đau tôi đi lấy muối thấm chút nước đắp xung quanh ngón tay, rồi sau đó bóp thêm dầu khuynh diệp. Với tôi dầu khuynh diệp là trị bá chứng, đau đầu, đau bụng, trúng gió, đau lưng gì xức vô một chút là êm ngay...

Xong rồi ngồi yên trước computer, làm ĐỘC THỦ BÀ BÀ, còn lại một tay là lên mạng bá cáo với bà con thân thuộc ...là tui vừà làm một chuyện hơi ngu...để ngón tay vô nẹp cửa đóng lại, cho nên mới bị đau và cần người chia xẽ NIỀM ĐAU như nhà giàu đứt tay ăn mày đổ ruột này ...vậy mà độ 15 phút sau cũng có 2 người đi lang thang trên mạng trả lời .
1/Sao không cẩn thận vậy. Đã có thuốc băng ngón tay chưa. Chúc mau lành.
- Xin tạ ơn !
2/Đưa tay đây thổi cho hết đau, sao sơ ý vậy. Tưởng chơi sao ? Lấy trái chanh nướng xong khoét lỗ lùi ngón tay bị thương vào có thể giữ được móng chăng ? Đêm nay không ngủ được đó !
- Xin đa tạ những tấm lòng thân ái !
Cả đêm tôi không ngủ được, ngón tay cũng chỉ ê ẩm thôi, nhưng tôi chợt nhớ tới ba tôi ngày xưa...cái ngón tay cái của tôi vẫn còn là một kỹ niệm, mỗi lần đánh móng tay là chợt nhớ tới ba.

Tôi không còn nhớ rõ là ngón tay cái của tôi bị dập cửa xe hơi hay cửa nhà. Ngón tay bị dập đến tróc bong móng, nhưng chia rớt ra, hồi đó tôi 10 hay 11 tuổi, suốt ngày ba tôi đã băng bó xức thuốc PÉNICILLINE, tôi vẫn ôm ngón tay, nhưng không khóc. Đến đêm thì đau quá, đầu hôm còn khóc nhỏ, đến nửa đêm thì khóc to, ba tôi phải thức dậy, đi lấy thuốc bông băng, băng lại ngón tay cho tôi, tôi vừa đau, nhưng cũng vừa yên tâm vì ba không la mà còn săn sóc cho tôi. Vì hồi đó tôi sợ ba lắm. Làm kẹt ngón tay là lỗi của mình ...Cả tháng sau ngón tay mới lành !

Khi ba còn thì tôi không nhớ ngón tay bị thương của mình. Ngón tay sau đó đã thay móng,cái móng cứng và xấu hơn móng cũ.Một bên góc bị chẻ làm 2,không hiểu tại sao. Nhưng khi sơn móng tay lên thì cũng che được .

Bây giờ ngón tay đeo nhẫn bị thương , tôi tự băng bó lấy nên nhớ lại ba mà tủi, nên mail cho bạn bè để được chia xẽ, thì nỗi đau được xoa dịu nhiều hơn !

NS

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

TÀN THU

Sương mù giăng mắc nơi nơi
Lá phong cuốn hút cuối trời xa xôi
Mùa thu thôi đã qua rồi
Hàng cây xơ xác ngậm ngùi tiễn thu !

NS

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

CHUYỆN TÌNH (Thơ HP)

Anh dẫu thế nào em cũng yêu
Càng yêu anh lắm đớn đau nhiều
Yêu anh lệ đẫm khi đêm xuống
Cô quạnh ngày xanh trống vắng nhiều


Anh dẫu thế nào em cũng thương
Nghĩa tình chất chứa bao năm trường
Không anh khoảnh khắc dài vô tận

Sợi nhớ sợi thương hoài vấn vương

Anh dẫu thế nào em cũng tin
Một ngày nào đó chuyện đôi mình
Sẽ như chim sáo chuyền cành hót
Bài hát tình yêu chan chứa tình.


HP

YÊU (Thơ HP)

Yêu là nhung nhớ tơi bời ,
Yêu là mong ước rong chơi cùng nàng .
Yêu là ngày tháng lang thang . .
Yêu là gãy phím tơ than đất trời ,
Yêu là khúc hát không lời ,
Yêu là chiếc lá chơi vơi giữa dòng . .
Yêu là ngày nhớ đêm mong ,
Yêu là khao khát mở lòng với nhau .


HP

THĂM HỎI

Thu, November 26, 2009 3:51:52 AM
From: Hoa Nguyenduc
View Contact
To: S K

Thưa cô ,

E rất vui khi nhận được mail của cô . Em tình cờ vào blog của cô thôi ạ, qua một lần search trên Google để tìm lại các thầy cô cũ của trường. Nếu có mạo phạm thì cô đừng có cho em mấy cây thước kẻ nhé .
Em tên là Hòa , học cùng lớp với Sinh - Đào ,Viết Kình ...Em có cô em gái hồi xưa học lớp của cô đó : tên là Thu Thủy (còn gọi là Thủy nháy) hiện đang sống tại SG, còn em thì đang sống ở Hà Nội (được 15 năm rồi), bao nhiêu lần họp lớp em cứ nói về nhưng rồi cũng chưa một lần về được .
Năm nay cô về thì vui lắm , cựu học sinh Tổng hợp năm nào cũng thường họp lớp vào ngày CN mồng 7 hoặc mồng 8 Tết đó cô , có cả các thầy tham gia nữa . Nếu cô về nước và ghé Hà nội thì em xin hết lòng được hầu tiếp cô ạ .
Đôi lời gởi thăm cô , e xin cầu chúc cô cũng gia đình luôn mạnh khỏe và vui vẻ suốt đời . Học trò cũ Nguyễn đức Hòa---

Ngày Thứ 5, 26/11/09, S K đã viết:
Từ: S K Chủ đề: thăm hỏi

Đến: kchiehoa@yahoo.com.vnNgày: Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009, 8:57

Hà hà ,em dám chui vô blog cô hả,giỏi lắm , vậy trình độ computer
của em khá lắm , thật đáng khen ! Em ở đâu Saigon hay BMT.
TẾT này cô về VN thăm , nếu gặp thì vui. Cô ở BMT.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

BÙA YÊU

Từ khi ta chợt thấy em
Hình như ta bị bùa mê vô hình
Em như vô ý vô tình
Không nhìn, không thấy, một mình ta đây !

Trước ta em vẫn không hay
Mà ta thì nhiễm bùa say giữa ngày
Ai xui em đến nơi này
Khi về em để lòng này vấn vương ,

Hay là em có bùa hương
Thoáng qua một chút là thương mất rồi !
Ra về lòng cứ bồi hồi
Trao em địa chỉ...dặn lời...email...

Hay là em có bùa si
Ta về cứ nhớ dáng đi vội vàng
Đa tình ...sao qúa dễ dàng
Chợt trông...lòng đã miên man...bất ngờ !

Hình như em có bùa thơ
Khiến ta thao thức đợi chờ đêm đêm
Bao giờ ta được thư em
Thì em nhớ gởi đính kèm BÙA YÊU !
NS

BÙA

Ai xui em bỏ bùa mê
Để anh chợt nhớ lời thề năm xưa
Thuở anh còn tuổi ngây thơ
Theo em trọn cả giấc mơ ban đầu

Ai bày em bỏ bùa sầu
Để anh ôm hết niềm đau thuở nào
Anh về cầu phép nhiệm mầu
Cho anh quên mối tình đầu đắng cay !

Ai bày em bỏ bùa say
Cho anh mê đắm ngất ngây một đời
Cho anh lận đận bên trời
Ra đi mà hận ông trời cách chia

Ai xui em bỏ bùa si
Để anh mõi cánh chim di xứ người
Biết bao vật đổi sao dời
Tình anh vẫn giữ, một đời yêu em !

nns

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

M ..Ơ...

ngày xưa
xoả tóc
bên rèm
bàn tay ve vuốt
yêu thương một đời

ngày nay
gió cuốn
mây trôi
tóc bay theo gió
ngậm ngùi
trông theo

giấc mơ
nhưng thật
đã qua mất rồi !

NSS

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

THÂN GÁI DẶM TRƯỜNG

Chị NGANSAU thân mến,

Tình cờ bấm bậy bạ vô trúng trang của chị, chứ thực tình em không chủ ý đi coi lén blog của người khác, chị cũng viết những kỹ niệm của thời quá khứ, nên em viết gởi chị chút tâm sự hồi xưa của em. Em cũng được ông anh bảo lảnh qua Phi Châu như chị, nhưng ở CÔTE D'IVOIRE .Xứ này mưa nhiều hơn bên chị.

Một hôm em được người bạn gởi cho chuyện BÀI CA VỌNG CỔ của nhà văn TIỂU TỬ, ông này cũng có một thời ở Côte d'Ivoire và ở PHÁP. Đọc xong em khóc mùi mẫn. Không ngờ tha phương mà còn nghe được GIỌNG BUỒN QUÊ HƯƠNG, mà em là người miền NAM nên đọc lên thấy thấm thiá ...và thương cảm cho đứa con lai lạc loài nơi xứ người, mà còn giử trong lòng âm điệu quê hương. Nếu đặt tình trạng mình vào hoàn cảnh của cậu con lai liệu mình còn sống nỗi không ?
Vậy mà cậu ta lại vui vẽ làm việc ,ca hát nơi đồng khô cỏ cháy không một bóng người...nếu không có máy bay dừng lại đón khách, thì hoang vắng cô quạnh đến chừng nào? cho em mà ở đó một ngày chắc em chết...vì sợ !

Em tưởng tượng cậu ta sung sướng dường nào khi thấy có người đến, mà người ấy lại nói được tiếng của quê hương cậu : Tiếng VIỆT NAM !

- Bonjour, vous êtes VIETNAMIEN ?
- Bác là người Việt Nam hả, con cũng Việt Nam đây, con đi theo diện con lai...ở đây buồn quá, nhưng con làm cho AIR AFRIC...

Em nhớ đại khái vậy, dư âm bài ca vọng cổ em tưởng tượng như còn vang vọng đâu đây...
Còn phần em, thì được bảo lảnh qua đây nên phải ở đây, phụ với ông anh làm nhà hàng.

Em kể chị nghe nhà hàng ăn bên này cũng dễ nấu hơn, vài ba món tây như steak, gà rôti, còn lại món VN là chả giò (tây họ gọi là NEM),TÔM chiên phích bột, món Côte d'Ivoire thì có MAFÉ, cũng có món cơm CHEBOUZEN của người Sénégalaise, hay món YASSA (gà, khoai tây nấu với càri và hành chanh giấm nên chua chua).
À, em quên nói món sandwich rất nổi tiếng của bà cô em, bà làm bằng saucisse thịt heo, một lần đặt ở tiệm bán thịt của tây cả chục ký. Nhưng bà rêu rao là saucisse mouton (thịt cừu nên bán rất chạy) Người theo đạo MULSUMENT không ăn thịt heo.
Nhà hàng ở đây cũng kiếm được tiền, nên em hi vọng sau này có tiền khá, em và ông anh sẽ tìm cách đi một nước khác.

Lúc mới tới tiếng tây cũng chưa biết bao nhiêu, nhờ bà cô giới thiệu học với một ông đen cũng khá (à em chưa nói với chị về bà cô của em, vợ chồng bả mất lâu rồi..)
Ông chồng của bà cô em là người Pháp, năm 1954 khi Pháp rời VN, ông ấy về Pháp nhưng sau qua đây kiếm việc làm ăn.

Lúc đầu bà bảo lảnh anh của em, sau anh em thấy ở buồn quá mới rủ em qua đây luôn, may mà có anh ấy nên em cũng được che chở phần nào, giữa những người xa lạ (em lúc qua đây mới 18 tuổi). Cái ông thầy dạy tiếng Pháp cho em, lại mê em, nên không biết ổng to nhỏ với bà cô thế nào, bà cô lại hứa gả em cho ổng. Bà cô chỉ lợi dụng thôi, nhưng ổng thì tưởng thật nên cứ đeo đuổi, mỗi ngày mang một món quà, có cả cây đàn guitar và kẹo bánh đủ thứ...em thì đâu có màng, nhất là người đen nữa, em chán quá muốn trốn đi cho khỏi đây, nhưng đi đâu bây giờ, xung quanh toàn người da đen, người VN cũng có rất ít, nhưng cũng không quen...

Một hôm em gặp một bà người VN độ 50 tuổi, bà cũng qua đây lâu rồi, bà nấu bếp cho một tiệm tây. Dần dà quen thân, em hay tâm sự với bà ấy . Bà nói người VN đây không bao nhiêu, bà có quen với một ông chủ người Pháp có restaurant, nhưng ở xa đây 20 cây số, bà nói nếu em muốn ra làm cho ông ấy thì bà giúp. Em suy nghĩ và nói chuyện lại với anh của em. Anh ấy ngăn cản, nói không được, em đi xa không tiện, lỡ có chuyện gì thì ai giúp em.

Một bữa ông thầy mời em đi ăn ,em từ chối,ông ấy nói với bà cô,bà cô khuyên em nên đi chơi với hắn, em cải lại không muốn đi, em không ưa hắn...bà cô mất mặt trước hắn nên giận chưởi em là đồ vô ơn bạc nghiã..
- Tao đem mày qua đây nuôi cho ăn, làm việc, mà khách hàng của tao mày không chìu được. Anh của em cũng bất mản cải lại bả .Tối đó em tức giận lấy ít quần áo tới nhà bà quen ở lại. Bà nói để khỏi mất lòng với cô em, bà hứa hôm nào nhằm ngày quán đóng cửa, bà dắt em lên giới thiệu với ông chủ tiệm restaurant. Em cũng liều chứ không biết sao. Ông chủ cũng tốt ông cho em ở một phòng riêng biệt, và phụ mấy việc lặt vặt trong bếp. Ông hỏi em biết làm gì ?

- Làm nem
- Chỉ một món thôi ?


Em nói :
- Mới qua không biết làm gì cả.
- Thôi được tao sẽ dạy mày vài món, nhưng từ từ không gấp. Mầy tập nói tiếng Pháp với mấy đứa bồi đã.

Tối đi ngủ em sợ quá, ban ngày đông người, tối ai về nhà nấy, chỉ còn ông chủ ở tuốt trên nhà, còn em thì ở gần phía sau bếp. Tối thì có gác dan đi tuần . Em sợ quá khóc cả đêm, đến hôm sau là bị nóng sốt, nặng đầu, Ông chủ không thấy em lên restaurant, ông chạy xuống hỏi thăm, mới biết em đau và lên lấy thuốc cảm cho em. Em nằm luôn một tháng.

Sau đó anh của em đi tìm, nhờ hỏi bà VN . Anh ấy thấy em ở chỗ tốt cũng yên tâm. Anh hỏi
em có muốn về lại nhà bà cô không, em cũng chưa biết tính sao. Có một lần em muốn đi về thăm anh. Đón xe buýt đi được, mất độ một tiếng đồng hồ thi tới nhà bà VN, nhắn anh tới.
Hôm sau em đón xe đò về lại . Đâu biết là xe đò chỉ chạy có nửa đường rồi sang qua xe khác, em phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ giữa đám ba quân, toàn là đen, chỉ có mình em là CÔ BÉ
TRẮNG LOẠC LOÀI . Em tủi thân quá ngồi khóc rưng rức. Mấy người đen thấy vậy họ thương hại, và đến an ủi em.


- Mày đừng sợ, không ai làm gì mày đâu, chút nữa xe chạy sẽ tới nhà. Vì chưa đủ khách xe phải chờ. Em cũng đở lo, nhưng vẫn thấy mình đơn độc quá . Khi về đến nhà em nghỉ thôi chắc ở đây nội tối ngủ một mình sợ cũng chết . Em nhờ ông chủ nhắn anh em lên đón về, rồi tới đâu thì tới.
Em về ở tạm nhà bà VN để chờ anh liên lạc với bà chị ruột ở Pháp coi có bảo lảnh em qua bên đó được không. Em nhờ sự giúp đỡ của anh nên trong vòng một tháng em xin được giấy đi du lịch sang Pháp và ở luôn không về.

Bây giờ thì em đã có quốc tịch Pháp vì em kết hôn với một ngýời VN, gia đình hạnh phúc. Sau công việc thỉnh thoảng em cũng ngồi ORDINATEUR coi tin tức và thư từ với các bạn cũ ở VN.
Em gặp trang của chị nên viết thư đến chị tâm sự đôi chút, vì chị cũng có thời gian ở PHI CHÂU. Chúc chị luôn luôn bình an.

EM ,

TRẦN THỊ BÍCH NGA
(Một người chưa quen biết gởi thư cho chị qua blog mail.)

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009

COOPERATIVE (Tiệm tạp hoá)

Lâu lâu chợt nhớ lại chuyện xưa cũng tức cười. Tôi không bao giờ ngờ mình còn có được những ngày tháng vui như vậy, chuyên môn đi bắt nạt thiên hạ, hay vô tình mà tôi trả thù lại những ngày ở VN đi dạy học, luôn luôn bị chèn ép...không khá nỗi .

Nhờ có cuộc đổi đời , từ một cô giáo ở một trường ở xứ Thượng tôi trở thành một cô bán hàng đáng giá của xứ PHI CHÂU .
Trong đám đen, có người trắng cũng nổi bật rồi, họ gọi tôi là MADAME CHINOISE, dần dần biến thành CHINA hay SHINA...
Họ gọi gì thì gọi tôi cũng không cần biết, không cần sửa , mỗi người gọi một tên tuỳ theo họ. Khách hàng của tôi thì đủ loại : Tây, Anh, Libanaise, Arập, Madagascar, Algérie, Maroc...Nói chung các nước ở Phi châu, còn MỸ thì rất hiếm , thỉnh thoảng có vài phi công MỸ..
Khách thường trực thì có nhân viên làm việc ở tại phi trường . Đa số người Phi Châu theo đạo HỒI (MUSLIM) . Nên câu chào thường ngày của họ là SALAMALÉCUM , và người đối diện phải đáp lại ngay là MALÉCUM SALA.
Lúc đầu tôi nghe thấy lạ, nhưng sau lần lần nghe quen rồi cũng bắt chước. Chứ thường thì khách lạ vẫn chào BONJOUR và AUREVOIR là 2 tiếng thông thường, vì đây là nước thuộc Pháp, nên tiếng Pháp là thông dụng .
Trình độ tiếng Pháp thì tôi cũng đủ để nói correct, nhưng chưa nghe quen, nên thời gian đầu phải học nói với bồi bếp (tụi nó đều là sinh viên không tìm được việc làm), nên sai đâu là sửa đó, vì vậy rất mau tiến bộ...và khi rành rồi, khá rồi ..thì giỏi nhất là ...chưởi !
Nói chưởi thì hơi quá ở cửa miệng người có ăn học như tôi, nhưng không "merde" thì không được, mà không "imbécile" thì cũng "salobat", hoặc khi giận lắm thì "cochon de lait"...
Tuy vậy với những đứa lì thì ...có nước vác cây ...mà doạ, chứ thật thì không dám đánh ai đâu!
Người theo đạo MUSLIM thì không được uống bia, rượu...tiệm tôi là tiệm tây nên có lisence bán bia rượu, jambon... Khách mua bia rượu rồi, là phải đem đi về nhà...nhưng khách của tôi ở đây thì không dám
đem về nhà, nên lén ra ngoài sân, chỗ mấy lùm cây, hoặc chui vô góc nhà uống lén, mà tôi không được phép cho họ uống trong tiệm, nhưng họ cứ năn nỉ, rồi thì tôi đành làm lơ. Từ police cho đến nhân viên ở AIRPORT ai cũng thèm uống bia cả...lâu lâu thì cũng phải làm một lần đuổi để họ sợ, chứ uống mãi trong tiệm cũng không tiện, lỡ gặp mấy ông GENDARMES không uống bia thì cũng hơi rắc rối, mất thời gian thu xếp...
Nếu gặp khách tương đối đàng hoàng thì nó năn nỉ ...cho uống xong là đi ngay ...gặp mấy thằng cà chớn lì lợm nó còn cự nự lại...vậy là phải chưởi ...và đòi kêu police ...
Khi mời police tới rồi, khách hứa... lần sau sẽ không emmerdé nữa. Tôi đặt điều kiện, tôi cấm ông từ nay không được đặt chân vào tiệm tôi nữa...


- Oui, Promis..

Vậy mà mới sáng sớm hôm sau, đã thấy hắn lù lù dẫn xác đến. Tôi không bán thì nó đứng cà riềng cà tỏi, mà bán thì bổn cũ soạn lại ...Tôi tức hét to, đòi kêu Police nữa ..và thành ra cải cọ, và tức là chưởi tùm lum...
Nên tôi sắm một cái roi dài, để trên quầy hàng, ai vô hỏi để làm gì ? . Tôi nói :


- Để đuổi tên nào đến đây phá rối...mọi người cười,không tin !

Thật ra hồi đó (cách đây 20 năm), người Phi Châu còn hiền hơn, chứ bây giờ thì tôi không nghĩ là có thể làm vậy. Chuyện gì xong rồi, họ cũng xin lỗi mình trước.

Sau tôi đổi qua làm restaurant, mỗi tuần tôi phải đuổi một tên,vì nó làm biếng quá chừng .Khi chưa có việc thì năn nỉ ỉ ôi, hứa đủ thứ, đến khi vô làm vài ba bữa là đổ lười, không làm xong việc, cứ kiếm cách trốn tránh, đi prière một ngày bao nhiêu lần, mình đâu nói được ...vậy là phải đuổi...đứa nào bị đuổi cũng khiếu nại với con gái .

- MAMAN est méchante ,elle m'a renvoyé .
- Pourquoi ? Est ce que tu travailles bien, ou tu es paresseux?

Nhớ lại một thời làm việc bên đó cũng thật vui,nói năng, la hét suốt ngày...cũng có chuyện vui, mấy tên bồi đi làm tới tiệm mới bắt đầu sửa soạn thay quần áo, rửa mặt cạo râu. Có khi khách tới rồi không ai servir, tức quá la lên :

- Tu as rasé tout ( temps). Mới nói nửa câu nó chơi lại liền .
- Non madame, Je ne rase pas tout....

THƠ HỒNG PHƯỢNG


PHÉP MẦU

Hai lần hụt chết tưởng xong đời
Những tưởng giờ đây đã hết hơi
Ai có ngờ đâu tim vẫn tốt
Vẫn còn rạo rực ngắm mây trời

Một lần giởn sóng vô tình thôi
Sóng cuốn phăng phăng vào cõi tối
Hụt hẩng toàn thân nghe nhức nhối
Không người cứu kịp đã tiêu rồi !

Một lần hụt bước chân cầu thang
Ngã ngữa đầu va nghe choáng váng
Vào viện chụp ngay tuyến X quang
Năm ngày tiền thuốc ắt bình an

Ngẫm lại đời mình lắm bễ dâu
Bao đêm khấn vái lời kinh cầu
Bao lần chìm đắm trong mê lộ
Trời vẫn ban cho phép nhiệm mầu !

HP

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

ĐỢI CHỜ


Em ơi ,

Đợi chờ là kiếp Phù sinh
Không chờ, không đợi sao tình đẹp hơn ,
Ngàn năm trước đã qua rồi
Ngàn năm sau vẫn tiếp hoài ngàn xưa
Chuyện tình là chuyện gió mưa
Không yêu ai lại dư thừa thời gian
Đứng chờ ngớ ngẫn lang thang
Mà Em hờ hững không sang bao giờ !
Em cứ hẹn nhưng Em không đến
Để Anh chờ mãi đến ngàn sau . . .


NS

CHUYỆN MA SÉNÉGAL (Phi Châu)

Gia đình chúng tôi được bảo lãnh qua SÉNÉGAL ngày 2-9-1982, vì bà nội và cô các cháu ở đây.
Qua Sénégal, dọn nhà lần này là lần thứ 3 hay 3 rưỡi. Khi mới tới ở tạm dưới hầm (BASEMENT của restaurant LE POINT DES ALMADIES ), sau đó dọn qua CABANON.

Khi CABANON mở cửa thành restaurant, chúng tôi lại dọn về AIRPORT YOFF. Hơn 1 năm sau lại dọn đến làng YOFF, làng này toàn là người Sénégal nói tiếng địa phương, hoặc tiếng Pháp (vì Sénégal trước kia là thuộc địa của Pháp) nhưng thỉnh thoảng cũng thấy một ông hay bà Tây lạc loài nào đó.

Tôi nhớ ngày đầu tiên đến đây, sáng ngủ dậy ra ngoài bờ biển, mấy đứa con tôi có ngay một nhận xét:_ Má ơi ,ông trắng đi với bà đen dắt thằng con màu chocolat! Đây là một làng ven biển, dân tương đối khá, đủ ăn, ít nhất mỗi gia đình cũng có một người đi làm để kéo theo mấy chục miệng ăn. Có người làm việc ở AIRPORT, có người đánh cá, hoặc những việc khác mà tôi không biết.
Nhà cửa tương đối khang trang, đều là nhà gạch, có những villa rất đẹp, kiến trúc theo lối Pháp. Từ nhà ra biển độ 100m, thỉnh thoảng buổi sáng sớm tôi đi theo một cô đen nào đó ra biển đón thuyền mới về để mua cá tươi, có con cá còn nhảy trên thuyền.

Dân Sénégal ít ăn cá ngừ, cá thu, họ chỉ ăn cá mú (họ gọi là cá chốp ). Họ có món cơm cá rất nổi tiếng, gọi là CHÊBUDEN, khi nào có dịp tôi sẽ biểu diễn món này để mời mọi người.
Cá ngừ và cá thu rất rẻ, chỉ độ 1 đô là có 3,4 con cá đem về, tôi phải thuê người xách cá về nhà.
Mua cá thu về làm chả cá, cá thì thật tươi, nhưng không béo, không ngọt như cá VN, có lẽ tại nước biển ở đây không dịu như nước biển VN. Tôi đi khắp nơi ăn cá, vẫn không thấy cá ở đâu ngon bằng cá VN, có người không đồng ý với tôi về nhận xét này.

Người Sénégal gọi chúng tôi là CHINOIS, tôi phải đính chính nhiều lần, nhưng họ không biết có một nước Việt Nam. Đôi khi họ cũng gọi là TOUBAP( người da trắng để phân biệt họ là da đen).

Tôi được một người nào đó giới thiệu một ông chủ có nhà cho thuê ở YOFF. Ông ấy đến gặp chúng tôi và mời đi coi nhà, một biệt thự rộng lớn, quét vôi màu gạch, ngói đỏ, gồm 6 phòng kể cả phòng khách và nhà bếp, 2 phòng tắm và toilet. Phiá trước nhà từ cổng vào bên tay trái có 1 nhà dù mái tranh để ngồi chơi mát. Giá cả thì không mắc lắm so với một căn biệt thự như vậy nên chúng tôi đồng ý dọn ngay hôm sau, không cần phải hỏi ai về căn nhà này lịch sử như thế nào...Chúng tôi cũng có một ít giường tủ bàn ghế dọn đến. Phòng ngủ lớn nhất dành cho ông xã tôi, ông ấy lúc nào cũng muốn thoải mái. Vì phòng này có sẳn một bộ giường nệm đẹp, sạch sẽ, phòng tắm rộng rãi, nên ông xã tôi tính làm giá luôn trong phòng tắm này.
Tôi và con trai út 5 tuổi ngủ chung một phòng nhỏ, hai con trai 8,10 tuổi một phòng, hai con gái chung một phòng.Một tuần đầu chúng tôi ở đây yên tĩnh, không thấy có chuyện gì xảy ra, hoặc ai có nằm mơ thấy, nghe gì đó thì cũng chuyện thường trong giấc ngủ.
Ban ngày chúng tôi có thuê một người đen để dạy thêm tiếng Pháp cho các cháu và dọn dẹp nhà cửa, ban đêm ông ta về nhà.

Trước kia ở AIRPORT tôi làm việc trong một cửa hàng tạp hóa. Bây giờ ở nhà làm commmande: như chả giò, tôm chiên và sandwich . Buổi chiều các cháu đi học về, cơm nước xong, học bài rồi đi ngủ.

Một hôm cô của các cháu báo cho biết là có chú ở CANADA sẽ qua thăm, chú đến vào buổi tối, mọi người sẽ lên phi trường đón. Tôi và các cháu đi, riêng ông xã tôi không muốn đi nên ở nhà một mình.
Lúc mọi người về nhà, ăn uống xong ..ngồi nói chuyện về cuộc hành trình của chú, thấy bố có vẻ như lo lắng chuyện gì...sau đó bố mới từ từ kể cho mọi người nghe...lúc bố vào buồng tắm, tưới nước cho GÍA, bố có cảm giác rờn rợn...như có ai đó đang đứng đằng sau lưng... và thở phì phò...bố sợ quá, quay lại ...thì chẳng thấy ai cả...nhưng khi bố quay đi lại nghe tiếng thở...không hiểu nhà có ăn trộm không ..?
Bố lên giường nằm thì nghe như có tiếng rên đâu đó...Mấy đêm rồi bố không ngủ được ( vì bố bị bệnh mất ngủ nên hay dùng thuốc ngủ...) vì thỉnh thoảng nghe tiếng rên một cách đau đớn, rồi tiếng than wào..wào ..wào ,tiếng thở bên tai...Bố không nói ra vì lo mọi người sợ, bữa nay thì ớn thiệt. Chú trấn an:_

- Tại ông mất ngủ nên mệt mỏi chớ có gì đâu, đừng nói tào lao làm tụi nhỏ sợ, thôi mấy đứa đi ngủ đi, mai chủ nhật dậy sớm đi chơi.
Đêm đó chú ngủ với bố. Đến nửa đêm bổng nghe NINA la hét:_
- Đau quá! Đau quá! Ai giựt tóc con!Chú và bố chạy qua, đánh thức NA dậy, cùng lúc đó tôi và Tí mở mắt ra thì thấy một bóng người lướt qua cửa sổ, tôi cũng hết hồn, hai mẹ con chạy qua phòng NA, tôi nói mới thấy bóng người...Chú nói:_

- Hay là ăn trộm? Còn Na ngủ mớ sao la dữ vậy? Na nói con bị ai giựt tóc đau đầu nên mới la.

Bố và chú đều nói là NA ban ngày đùa giỡn nhiều quá nên ngủ nhập tâm, thôi về ngủ, xong rồi !
Vừa mới đặt lưng xuống, còn đang nhìn lên cửa sổ, may mà ngủ với Tí chứ không thì tôi cũng không biết phải làm gì, vì sợ quá, ma cũng sợ, mà ăn trộm cũng sợ...thì lại nghe Na la nữa...mọi người lại chạy sang...Na nói:_

- Họ kéo tóc con nữa...Chú nói:_
- Thôi lên nằm chung với Bé...từ đó đến sáng không còn ai ngủ lại được nữa...Tuy không ai nói ra điều gì, nhưng cứ nghĩ đến lời bố nói là hình như có một bóng hình nào đó trong nhà này!
Sáng hôm sau ALBERT tới _ Tôi mới hỏi nó:_

- Mày có biết gì về cái nhà này không? Mày có tin là có ma không? Albert nói:_
- Tôi biết về cái nhà này, ở YOFF ai cũng biết cả, nên không ai dám thuê. Mấy người là người lạ nên không ai nói cho biết là trong nhà này có một người đàn ông bị bệnh và chết trên giường của Mr. đang ngủ đó.
Nghe vậy ai cũng hết hồn, hoá ra những chuyện xảy ra đều có thật. Nó còn kể thêm:_Tôi đã từng gặp MA, có một bữa tối, tôi đi khiêng nước ngoài robinet, tôi thấy một bà mặc đồ trắng cũng lấy xô hứng nước rồi đội lên đầu đi về. Tình cờ tôi ngó xuống chân bà đó, tôi thấy bả đi hỏng chân, tôi sợ quá, liệng luôn xô nước chạy về nhà...còn nhà này có Ma là đúng rồi.

Ngay hôm đó tôi đi hỏi thuê nhà khác, phải một tuần sau mới dọn.Nhớ lại chuyện cũ cách đây hơn 20 năm, tôi ghi lại để mọi người đọc cho vui, ai muốn tin thì tin, không tin thì đừng sợ! Chú các cháu là cứng cựa lắm mà còn thấy ớn !

CANADA
22/4/2007 SUỐI KIẾT

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

TẠ ƠN


Tạ ơn với cả đất trời ,
Cho ta được sống cuối đời bình an .
Tạ tình với cả mọi người ,
Còn cho ta được những lời thương yêu .
Dẫu đời sóng gió dập dìu ,
Cũng còn lưu lại ít nhiều yêu thương .

Cám ơn bè bạn bốn phương ,
Cho ta những phút vấn vương tơ lòng .
Cho dù biển cạn non mòn ,
Cũng xin gìn giữ sắc son tình già !

NS

XÂY THƯ VIỆN TRƯỜNG BMT (Trước năm 1975)

Nhân đọc kỹ niệm học sinh xây THƯ VIỆN TRƯỜNG TRUNG HỌC BMT của HỒNG PHÝỢNG, làm tôi nhớ lại những kỹ niệm đẹp , của một thời xa xưa , tưởng đã đi vào trong lãng quên rồi .
Bây giờ chợt thức dậy, như người ngủ mê hơn 40 năm !
HP chỉ nói vật liệu để xây một cái phòng nhỏ, mà không nói vật liệu ở đâu ra , lấy từ đâu, và ai đi lấy , cát , đá , đất về để học sinh đúc thành những viên gạch .


Thật sự đây không phải là công việc cần đến sức lao động của học sinh , nhưng chỉ là một hình thức học và hành (có lẽ theo lối MỸ để tập cho học sinh biết thực hành những điều đã học trong sách vở)

Nhà thầu thư viện này là thầy BDC , Gs Anh văn của trường . Thầy làm thiện nguyện cho IVS (thời chính phủ KENNEDY của MỸ) , nên thầy cũng liên hệ đâu đó để mượn được chiếc xe GMC 10 bánh .
Cuối tuần thầy chở đám học trò của lớp lớn , như lớp HP (ĐỆ TAM , ĐỆ NHỊ .) đến cầu 14 để chở cát , hoặc vào rừng chặt cây .

Thầy CHI rủ tôi đi theo chơi .
Lần đầu một xe đầy cũng không biết bao nhiêu hs, thầy CHI lái đi cầu 14 lấy cát, đất, tôi cũng không nhớ rõ. Sau đó thấy đám hs kéo nhau đi sâu vào phía trong rừng có lẽ họ đi chặt cây, thầy CHI không đi , tôi cũng ở lại nơi bờ sông . Tôi và thầy xuống mé sông , có chiếc thuyền . Thầy bảo tôi :

- Bà lên thuyền tôi chèo ra chơi, tôi tuy không biết bơi , nhưng cũng ngồi đại cho thầy chèo, mà không biết là thầy chèo thuyền có được không, nhưng sao thuyền cứ loanh quanh chỉ có một chỗ , mà tôi cũng không biết . Xong thầy ngồi xuống nói chuyện, thầy hỏi về tôi đôi chút, tôi cũng thành thật trả lời ...Chuyện cũng không đâu vào đâu ...cho đến khi đám hs trở ra, thì chúng tôi cùng về .

Lần thứ hai thì đi ĐỒI GIANG SÕN ĐỨC MẸ, vùng này nghe nói là thuộc giang sơn của VC . Người dân ở đó đa số là BẮC di cư , nên chắc họ không mấy thích VC . Nhưng mấy ông VC thì chỉ về ban đêm , còn ban ngày vẫn bình thường .

Đồi GS rất cao , xe GMC 10 BÁNH mới chạy lên nổi . Lần này ngồi đàng trước xe ngoài thầy CHI lái xe , còn có tôi , và một cô thông dịch IVS BARBARA , cô này mặc áo thun màu đỏ , nên cũng ớn. VC không bắn, chứ họ nhắm là tiêu hết.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy thầy CHI này thuộc loại điếc không sợ súng , dám kéo cả bầy con nít vào rừng chơi , mà có cả MỸ nữa chứ. Lúc đó là thời điểm chiến tranh mới bắt đầu (khoảng năm 1963- 64) nên không sợ mấy .

Tôi không nhớ lên đồi này làm gì, chặt cây hay là đi ngoạn cảnh , mà cứ kéo nhau lủ lượt đi , rồi về bình yên !(có lẽ hỏi lại thầy Chi mới rõ )
Đây là những kỹ niệm của thời xa xưa , không có gì đặc biệt nên đã trôi theo thời
gian suốt mấy mươi năm qua .

Bây giờ thấy HP nhắc lại việc xây cất, nên tôi cũng muốn ghi lại nơi đây đôi chút kỹ niệm xưa . Còn tình cảm mơ hồ nào đó, thì cũng theo giòng thời gian mà đi . . .

SKNS

KỸ NIỆM

Trước bảy lăm, mình dạy học vài ba trường trong Thị xã Ban-mê-Thuột.
Trường đầu tiên là “Bán công”còn gọi là “Tỉnh hạt” – học trò mình nay đã là ông, bà nội ngoại và một số cũng đã thành danh. Mình cũng dạy thêm trường Hưng Đức – trường Đạo do một cha cố làm Hiệu trưởng. Trường thứ ba là Trường Trung học Tổng hợp Ban-mê-thuột, trường công duy nhất ở Thị xã.
Vì dạy đến ba trường, nên bạn dạy học cũng khá đông. Trong đó, có nhiều bạn rất thân vì đa số trước kia cùng học cùng lớp, cùng trường thời trung học.

Nhớ lúc còn là học sinh trung học, dạo đó trường chưa có Thư viện, nên việc tham khảo thêm tài liệu của học sinh rất hạn chế.
Thầy Bùi Dương Chi, giáo sư Anh Văn của trường, đã có sáng kiến thành lập một Thư viện cho trường do chính học sinh của trường xây cất.

Nhớ lại thưở đó mình không khỏi giật mình – gần năm mươi năm trôi qua – thảo nào mình nay cũng đã là một “lão bà” .
Được cùng nhau lao động, xây dựng Thư viện cho nhà trường là niềm vui và vinh dự cho học sinh chúng mình. Các tình nguyện viên làm theo nhóm : nhóm khuân gạch, đá, sỏi; nhóm đúc gạch, tableau; nhóm vận chuyển; nhóm có tay nghề hơn thì đặt móng, tô trát tường, quét vôi, lợp mái … Thư viện được xây ở một góc trường với đội ngũ thợ nghiệp dư nên dù chỉ là một căn phòng nhỏ với diện tích vài chục mét vuông, nhưng thời gian thi công cũng kéo dài gần ba tháng.
Nắng làm, mưa nghỉ, buồn vui với công việc đôi khi quên cả học bài. Vào lớp, nếu gặp giờ Anh Văn của Thầy Chi, dò bài không thuộc đành cười trừ.
Thư viện trông cũng khang trang, tủ sách khá đầy đủ các thể loại; đặc biệt môn tiếng Anh có nhiều và giá trị.
Những kỷ niệm học đường còn có các buổi cắm trại tất niên; được thoát ly gia đình, cùng bạn bè chuyện trò, ca hát, nhảy múa quanh lửa trại cả đêm. Sáng hôm sau, mắt cay xè, ngái ngủ và người lâng lâng chực ngã.

Ngoài học đường là kỷ niệm về những ly chè đá trong những buổi trưa hè nóng bức, ôi sao “tuyệt cú mèo” và những chiều lang thang cùng bạn bè, chia sẻ với nhau những suy nghĩ non nớt, thơ ngây. Thời kỳ hồn nhiên đã trôi qua như thế.

Bước ngoặt cuộc đời “sóng gió, nghiệt ngã”, nhưng cũng để đời hơn là “giai đoạn làm thầy”. Thầy hay trò đều liên quan đến “Chữ”mà “Chữ” thì vô cùng : “Học nữa, học mãi” luôn là chân lý. Vì thế, đến lúc nầy, dù đã “lục tuần”, mình vẫn còn phải học để dạy cho thế hệ sau mình – một thế hệ mà chúng ta, người được gọi là thầy đều phải trân trọng, đôi khi còn tôn là “thượng đế”, vì nếu không khéo thì “thượng đế” có thể làm cho mình mất nồi cơm đấy !.
Đùa thế thôi, cho dù thời đại nào, mới hay cũ, xưa hay nay thì thầy vẫn được tôn trọng, bỡi thế mới có “Ngày 20/11” phải không nào ?

Thôi nhé, người nhắc chuyện xưa xin được dừng, nhường chỗ cho những ai đang đợi tới phiên mình và còn phải xem lại bài để “lên hay xuống lớp” nữa.

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

H.P

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

ĐIỆU LÍ LƠI

Một góc vườn xinh đầy sắc hoa
Trắng vàng tím đỏ hương lan toả
Mặt trời lấp ló sau vòm lá
Lấp lánh hạt mưa đọng tối qua

Đung đưa trong gió chiều vừa ghé
Vũ điệu bướm hoa muôn sắc khoe
Dìu bước nhau đi vào lễ hội
Chan hoà nắng gió những ngày hè

Chim chóc hoà ca điệu lí lơi
Yêu nhau cởi nhẫn trao nhau rồi
Ngại gì bão táp mưa sa đến
"Một cõi đi về" luôn có đôi .

PHƯỢNG HỒNG

BỂ KHỔ

Chiếc lá vàng buông nhẹ xuống đời
Phơi mình trong nắng gió chơi vơi
Không còn nhựa sống muôn ngày tới
Ngày một ngày hai im ắng đời

Ngắm lá vàng rơi lại thấy buồn
Kiếp người kết thúc ,một hồi chuông
Tiển đưa thân xác về vô tận
Lạnh lẽo đơn côi một góc trời

On đời ban tặng thật mênh mông
Sắc sắc không không trĩu cả lòng
Mê mãi quay cuồng trong tửu sắc
Bể khổ,trầm luân dứt được không ?

Đời người như một giấc chiêm bao
Mộng mị vây quanh tựa chiến hào
Tỉnh giấc rồi mong mõi ước ao
Ngày sau sống một đời thanh cao !

HP

TRẢ NỢ ĐỜI

"Mắc cỡ" tên em nghe thật hay
Sao em ghép kín trái tim gầy
Thèn thùng e ấp chi em hởi
"Trinh nữ" cùng anh say bữa nay

Ta say trời đất cũng lăn quay
Em đứng đó làm ta ngất ngây
Quên hết sự đời trên cõi trọc
Chỉ còn áo mỏng quyện hương bay

Ta tưởng mình đang ở cõi tiên
Khi xưa Lưu Nguyễn lạc Đào Nguyên
Tháng ngày quên hết,quên quên hết
Quên cả người thân,cả bạn hiền

"Trinh nữ" em ơi,đêm hết rồi
Ngày xưa em trả lại ta thôi
Bên em ta thấy mình mê muội
Ta muốn từ nay ...trả nợ đời .

HỒNG PHƯỢNG

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

CON BÚP BÊ CỦA TÔI




Hồi còn nhỏ, ai cũng thích chơi búp bê, nhưng cha mẹ lúc bấy giờ chẳng mấy để ý đến con cái, không cần biết chúng thích gì. Con cái thì muốn cái gì đó, nhưng không dám nói. Vì chắc gì đã được cho.

Tôi không nhớ khi ấy mình bao nhiêu tuổi, nhưng tôi thích chơi búp bê và những căn nhà bằng những miếng gỗ vụn sắp chồng lên nhau, như bây giờ trẻ con có những cục Lego gắn vào nhau để xây đủ thứ ...lâu đài, nhà cửa ,xe cộ...
Nhà tôi là một trại mộc nên có nhiều gỗ vụn, và sau những giờ học, rảnh rỗi ,không phải giữ em ...Tôi là chị thứ hai của gia đình . Chị cả tôi, thì lo việc nhà cửa, nấu nướng ăn,c òn tôi thì giữ em. 5 đứa em tiếp tôi là PH,H, TH,T,Đ phải bồng bế, cho ăn, cho ngủ và cho chơi luôn.


PH hồi đó là bự nhất, mà tôi thì nhỏ bé, mỗi lần bồng PH là mọi người gọi tôi là mèo tha dưa cải. Vậy mà hồi đó tôi không bao giờ than thở, mà coi đó như là bổn phận . Đứa nào mà té là tôi ăn đòn . Bây giờ nghĩ lại sao vô lý vậy hả ?
Tuy vậy tôi vẫn có cái thú riêng của mình, thỉnh thoảng rảnh rỗi, tụi nó ngủ hay ở đâu đó, tôi trốn vào một góc nhà dọn đồ chơi của mình ra và ngồi sắp thành một ngôi nhà, có phòng ngủ có giường, bàn, ghế, tủ và có người ở. Người ở của tôi là một con búp bê, không tay không chân, mà không biết tôi lượm ở đâu.Tôi phải tìm vải băng bó cho nó như quấn một em bé sơ sinh, để khỏi ai thấy nó không có tay chân...tôi ngồi hì hục quấn trước sau, có khi quấn xong thì sút, vì vải nhỏ, hay vì con búp bê trơn cứ tụt vải ra, tôi phải làm đi làm lại nhiều lần, mà nó vẫn cứ sút, tôi tức mình quăng cái đụi ra ngoài, và khóc...Rồi đi lượm lại cất đi, không chơi nữa.

Hôm sau lại tiếp tục ..cho đến một hôm tình cờ BA tôi thấy con búp bê tội nghiệp bị băng bó khắp người, cụt tay cụt chân, ba tôi mới biết là tôi thích chơi búp bê...và ông phán một câu, con thích chơi búp bê hả, thôi liệng con nầy đi, lấy sổ này tới tiệm VỈNH PHÁT mua một con khác...Tôi mừng quá, vội vô xách sổ chạy bay tới tiệm để chỉ một con búp bê. Ông chủ tiệm người Tàu nghi ngờ hỏi BA NỊ có cho không đó ? Tôi nói có, BA tui cho thiệt, hỏi ổng đi ...và từ đó tôi khỏi băng bó nữa, và còn may quần áo cho nó ...con búp bê là niềm hạnh phúc nhất của tôi thuở ấy...
SK

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

BA TÔI


Ba tôi đội mủ bê rê
Đẹp lão, phong độ, chẳng chê chút nào
Nhà tôi tố nữ 10 nàng
Ra vô nườm nượp, khách hàng hỏi han
Ba tôi quản lý đàng hoàng
Đứa nào sớn sát, dàn chào roi mây
Anh nào gan mỏng da dày
Sợ đi cửa trước, chọn rày cửa hông
Cuộc đời trước ngó sau trông
Nhưng rồi không khỏi long đong phận người !
Má tôi lo lắng trong ngoài
Một bầy con gái quả là.. lắm bom !


Ba tôi thì thật hào hoa
Ra ngoài không biết bao bà vây quanh
Bà làm y tá CÔ NĂM
Chuyên lo săn sóc thuốc thang tận tình
Cô QÙY lo việc nấu ăn
Mỗi lần ba lảnh cầu đường trong BUÔN
Một cô CẨM LỆ thơm ngon
Một bà thơ phú, đối, hò cũng hay
Má tôi mặc kệ ba bay
Miễn sao nhà cửa, tiền đầy đủ lương
( Vì Ba tuyên bố MÁ MÀY SỐ 1)
Ba tôi thương vợ, chăm con
Cửa nhà êm ấm, có còn chi hơn
Bữa ăn ngồi lại cháu con
Một bình rượu chát, cả nhà 10 ly
Cơm, rau, thịt, cá đều chia
Không ăn thì để nhường phần người sau
Chuyện BA càng kể càng lâu
Bây giờ ba mất, lòng đau nhớ hoài
Rằm này sắp giáp một năm
Chị em tôi lại bàn ngày giổ BA
Bàn thờ hương khói đậm đà
Nụ cười ba đó ÔNG GIÀ BÊ RÊ !

KIMCHI

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

ĐỢI


Trăng đợi em dưới lầu
Em giờ ở nơi đâu
Sầu thương trăng úa màu


Trăng đợi em trên cầu
Soi bóng nước đêm thâu
Khắc khoải chờ bóng câu

Trăng lơ lững một đời
Nỗi buồn sâu vời vợi
Hai hàng châu lệ rơi !

HP

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

VẦNG TRĂNG


Vẫn vầng trăng xanh xao
Lơ lững giữa trời cao
Đợi tình vui lên tiếng
Trong gió ngàn lao xao

Vầng trăng vẫn chưa tròn
Ôm cuộc tình héo hon
Tuổi xuân không trở lại
Tình buồn dáng hao mòn

Vầng trăng khuyết thật rồi
Tình hoài mòn mõi đợi
Tình lẽ bóng đơn côi
Tình chết lặng bên đời !

HP

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

LỐI RẼ


Đường em đi sao quá nhiều lối rẽ
Lối rẽ nào sẽ ngáng bước chân anh
Góc đời dài vốn cần người chia xẽ
Mà đường đi thì cứ mãi xa thêm

Ráng cho hết những chặng đường còn lại
Với ước mơ hạnh phúc lên ngôi
Nhưng tình ơi mãi mãi xa rồi
Hoàng hôn xuống tắt một màu dang dỡ

Giờ có nhau cũng trở thành vô nghĩa
Con đường nào dẫn tới chỗ gặp nhau
Có chờ chăng một phép thuật nhiệm màu
Dẫu chỉ tay đã rõ đường định mệnh

Thôi chấp nhận những thương đau yêu mến
Như món quà Thượng Đế đã ban cho
Những tình nhân đã lỡ cuộc hẹn hò
Hẹn kiếp sau thuyền tình chung một lối !

LÁTHU VÀNG

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

NGUYỆT QUẾ

Nguyệt quế ghé chơi được mấy ngày
Hương thơm lan tỏa khắp đâu đây
Sáng vừa thức giấc qua khung cửa
Đã thấy trăm hoa chờ gió lay

Nguyệt quế trong vườn rụng tả tơi
Thương đời hoa ngắn, lệ tuôn rơi
Thương đời em khổ, hoài trôi nổi
Thương cả tình yêu mòn mỏi đợi

Nguyệt quế sầu ai ủ rũ rồi
Vườn xưa ong bướm vẫn về chơi
Bên nhau say đắm từng câu hát
Quay tít vòng đời đến hụt hơi

Nguyệt quế em ơi tỉnh dậy thôi
Ngoài kia nắng trải khắp núi đồi
Nắng lên chở nặng nièm vui tới
Vào cả vườn hoa nguyệt quế rồi!

HP

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009


CÕI RIÊNG

Sáng nay lên núi tiếp mây
Đèo cao dốc thẳm hây hây má đào
Tay vin một ngọn trúc đào
Gió hiu hiu thổi dậy bao sóng lòng
Bọt bèo thân phận long đong
Nghe câu Kinh vệ những mong thoát sầu
Họa mi thánh thót trên đầu
Xua tan đi những lo âu muộn phiền
Thấp thoáng nẻo đến cõi thiền
Không gian tĩnh lặng, cõi riêng đi về.

SẮC THU

Chiếc lá thu xưa thay sắc màu
Xanh vàng tím đỏ nhớ nhung nhau
Heo may chút gió se se lạnh
Gom cả trời thu, vun nỗi sầu

PH