Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

BỨC THƯ TÌNH ĐẦU TIÊN

Tuổi già, hay nhớ chuyện cũ. Thỉnh thoảng đọc báo thấy các mục giải đáp tâm tình sao giống hệt chuyện mình ngày xưa, làm ta ngứa mắt, ngứa tay, mở máy ra chọt vài hàng coi thử tới đâu ! Ngày đó, cùng học với nhau lớp Đệ Ngũ.

Mới thấy nàng lần đầu, tôi đã chú ý. Nàng thì không hề hay biết,còn tôi thì chẳng bao giờ nói hay dám biểu lộ một điều gì. Một phần cũng vì mặc cảm mình là nghiã tử quốc gia, nghèo..đâu dám đèo bòng... Chỉ đứng xa xa nhìn, thỉnh thoảng những chiều mấy chị em lên sân tập thể dục, tập leo dây, mấy đứa bạn ra chỉ cho mấy chị em tập leo, phải móc chân vào dây thế nào để giữ được dây và trườn lên cao...con trai thì tay khoẻ nên chỉ cần 2 tay là đã lên được...hoặc dồng banh basket, làm sao dành được banh...tôi thì như người lớn chỉ đứng nhìn, mà không nói gì ...cho đến khi trời gần tối, mọi người phải về nhà, chúng tôi về phòng nội trú.


Suốt một năm trời ôm một mối tình thầm kín, không hề thố lộ. Mãi đến cuối năm học, mẹ tôi vào thăm, tôi muốn mẹ tôi biết nàng, nên đưa mẹ tôi tới thăm gia đình nàng, có ông chú làm
Tổng giám thị trong trường.
Nàng ở trọ nhà ông chú đi học. Năm Đệ Tứ thì nàng chuyển sang trường nữ. Tôi vẫn mang một mối hi vọng, mặc dầu chưa một lần thố lộ.
Sau năm Đệ Tứ tôi thi đậu vào trường sư phạm. Nàng tiếp tục học ở trường nữ . Có lần tôi làm gan, đến nhà nàng, mà tôi đã âm thầm theo dõi điạ chỉ . Cái kiểu " "khi tan trường về, anh theo nàng về...." Sau lần đến nhà, tuy không nói, nhưng tôi nghĩ nàng hiểu tôi đã trồng cây si. Trước khi ra về tôi nói nhỏ riêng nàng một câu "ngày mai ra đường HN, cho anh gởi cái thư" Nàng không ừ, cũng chẳng từ chối.
Dù gì tôi đã hẹn thì tôi vẫn đến, nhà tôi rất xa, tôi phải lội bộ cả 4,5 cây số. Tôi không đi xe đạp.
Tối hôm đó tôi về gò gẩm lại cái thơ 10 trang mà tôi đã viết từ lâu, nhưng không dám đưa. Cứ để đó chờ dịp thuận tiện .
Ngày mai tôi hi vọng nàng sẽ ra phố, tôi sẽ trao BỨC THƯ TÌNH ĐẦU TIÊN. Thư rằng : HỞI NÀNG STEPHANIE TRONG KỲ VỌNG, Anh mạo muội viết bức thư này gởi tới em, mong em tha lỗi cho anh đã đường đột nói lên tiếng lòng mình. Tôi biết là tôi viết thư rất cải lương. Nàng Stéphanie là cô chủ của người chăn cừu, trong truyện LES ÉTOILES của ALPHOND DAUDET mà tôi đã thuộc lòng, có một lần cô chủ đem thức ăn lên núi cho chú chăn cừu và bị mắc mưa phải ở lại đêm trong căn chòi của chú .
Cô bị mưa ứớt áo, phải ngồi hong, chú chăn cừu đưa tạm cái chăn cho cô quấn cho đỡ lạnh. Cô thú vị ngồi bên bếp lửa và dựa đầu lên vai người chăn cừu ngủ một cách ngon lành cho đến sáng hôm sau .
Tôi ước ao được làm người chăn cừu, để được cô chủ tựa đầu trên vai mà ngủ, tôi hạnh phúc biết bao ! Tôi ngồi nhìn các vì sao trên trời ước mơ như người chăn cừu, ngôi sao nào sáng nhất là cô ấy, ngôi sao bên cạnh là tôi. Bức thư tôi tỏ bày hết nổi niềm, là tôi yêu em từ thuở mớí vào lớp, nhưng đâu dám nói. Vì biết mình chưa trưởng thành, chưa có công danh sự nghiệp.

Sang năm tôi ra trường, tôi làm một giáo viên nhỏ bé trong xã hội này, nhưng cũng đủ sức bảo đảm cho em một đời sống hạnh phúc, đầy đủ... Tôi bla bla bla nhiều lắm, vẽ vời một tương lai, một mái nhà tranh 2 quả tim vàng ...tôi không còn nhớ nỗi tôi đã viết những gì mà tới 10 trang giấy học trò, mong nàng động lòng mà cho một câu trả lời... Nhưng nàng không trả lời...

Hôm sau tôi tới nhà, mọi người nhìn tôi ái ngại, Má nàng nói, em nó còn nhỏ, chưa tính chuyện gia đình được, còn nàng thì biến mất...tôi xót xa, ra về mà chân bước nặng như chì ! Bức thư tình đầu tiên làm tôi tan nát cõi lòng ! sau đó tôi cưới vợ...vợ tôi cũng xinh, cũng có mái tóc huyền,cũng hiền, nhưng trong lòng tôi không thể nào quên được người con gái đó...


CL

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

ÔNG BÀ BILL SLOAN-BOTHWELL

ÔNG BÀ BILL
Hôm qua 19/3/2001, năm mẹ con SK, NINA, TINA, LIÊM, TÝCƯỜNG đi xuống BOTHWELL thăm ông bà BILL.

Tin từ Sandy một trong mấy người con ông Bill gọi cho Nina, cho biết là ông bệnh nặng, giờ yếu lắm, có thể đi bất cứ lúc nào. Shane cháu nội ông thì gọi cho Tý Cường. Shane và Cường là bạn học từ PUBLIC SCHOOL.
Hai ông bà vào ở nhà già (nursing home) đã hơn ba năm nay. Hai năm về trước 2008, 2009 chúng tôi đều xuống thăm. Năm 2010 tôi đi VN, nên không đi thăm ông bà. Tuy vậy Nina vẫn phone liên lạc, hỏi thăm ông bà.
Tôi thì cứ nhớ ngôi nhà của ông bà ở, một ngôi nhà đơn sơ, không có heat điện, hay heat gaz, mà heat củi ...Tôi cứ nhớ muà đông tới nhà ông bà thì thấy ông đun mấy cây củi bự...tôi cũng lấy làm lạ, ông bà rất giàu có, so với dân ở trong phố nhỏ 1000 người này. Giàu có bao nhiêu thì tôi không biết. Nhưng con cháu ông rất khá, có đôi khi chúng tôi có hỏi mấy bà con gái, sao không sửa sang nhà cửa cho ông bà ?
Company SLOAN CHRISTMAS TREE của ông lớn nhất tỉnh bang ONTARIO .
Họ trả lời :
- Ba tao không muốn đâu ! nó rất cần kiệm, cho, giúp ai thì không tiếc, nhưng tiện nghi cho họ thì không chịu. Có mấy lần tụi tao mong họ đi xa để ở nhà sửa sang thay lại nhà cửa, thay heat, thay nước máy...về ổng bả còn la om sòm...nhưng lỡ rồi, cái gì còn trả được thì họ trả, đổi lại...

Mỗi lần chúng tôi xuống chơi, ông đều cho ra vườn đổ xăng ông trử sẳn, không phải mua dọc đường.
Hồi tôi còn trồng bầu, bí, bông trong vườn, ông cho tôi mấy cái cuốc xẻng, kéo cắt cây, bà cho đào hoa pensée, hoa poppy....sau vườn. Có lẽ những điều này làm tôi nhớ căn nhà này hoài...
Nhà đã bán sau khi ông bà vào nhà dưỡng lão ở WARDVILLE, mỗi lần đi ngang tôi đều ngó ngoái lại như tìm những kỹ niệm những lần chúng tôi xuống, đứng nói chuyện, chụp hình với ông bà dưới bóng mát của các gốc cây...
Trong khi căn nhà ông cho chúng tôi ở 3 năm, bây giờ con gái ông SHARON sửa lại đẹp hơn để ở,sau khi chúng tôi dọn đi...thì tôi lại không nhớ, không cảm xúc khi đến thăm lại...
Sở dĩ tôi dọn đi là vì con tôi đều xong highschool phải lên đại học và college ở nơi khác. Ông có vẽ giận chúng tôi ? vì ông không muốn mọi người rời xa thành phố nhỏ này, chỉ đi học xa rồi trở về cuối tuần. Nhưng cũng rất bất tiện và tốn kém, tôi chỉ muốn ở gần các con, chứ tụi nó đi hết tôi ở lại cũng buồn .
Nina đã đi trước lên Montréal, một tĩnh bang nói tiếng PHÁP, vì nó nói rành tiếng Pháp .
Tina đi Đại học Waterloo ở Kitchener-Waterloo. Trí đi Chatham, Liêm đi Mississauga. Còn lại tôi và Tý Cường, nên cuối cùng cũng dọn lên Waterloo và xin được nhà housing ở Kitchener.
Ngày chúng tôi dọn đi ông bà rất buồn, ông đã chuẩn bị sửa cái bếp cho tôi cho rộng thêm ra, vì có lần tôi chỉ nói cái bếp này mà vô 2 người là chật.
Một lần long weekend, chúng tôi đi 4 ngày lên nhà chú ở Mississauga chơi, lúc về thấy ông đã thuê người nới rộng cái bếp...tôi nghĩ ông muốn giữ chúng tôi lại đây. Vì các gia đình trước không ai ở lâu nơi thành phố này, họ than buồn và không có người VN.
Chúng tôi thì sống đâu cũng được, dễ hoà đồng, tôi có các bà bạn ở Church, các bà hàng xóm, có cái vườn, muà đông tôi đan áo, đọc tiểu thuyết, học thêm tiếng Anh với các người đi giảng đạo, lúc nào cũng bận rộn cơm nước cho các con. Cuối tuần mấy mẹ con chở nhau đi chợ xa, để có đồ ăn VN.
Vài tháng đầu chưa có xe, ông bà giúp chúng tôi đi chợ và cho mượn check để trả, khi nào các con có tiền sẽ trả lại ông bà. Chúng tôi làm việc cho vườn cây của ông vào cuối tuần. Trồng cây, tiả cành, nhổ cỏ. Nên đưá nào cũng đen thùi, còn đen hơn ở PhiChâu.
Ông dạy cho Nina học lái xe, Nina chưa có xe nên mỗi lần thi phải thuê xe, hoặc mượn của người quen, và phải lần thứ 3 mới đậu, trong khi mấy đứa sau có xe, học lái ở trường, nên có 1,2 lần là đậu.
Nina mua chiếc xe Ford đen đầu tiên 3000đô, mà rất tốt, của người ở vùng này, họ chạy xe rất cẩn thận.
Còn một điều đáng nhớ nữa là sáng THỨ BẢY nào ông bà cũng kêu tôi và Nina dậy sớm đi Yard Sale.

Ở miền quê có nhiều đồ đẹp mà rẽ ,có khi còn mới tinh, vì họ chưa dùng, nồi son, chén, diã những đồ dùng lặt vặt trong nhà. Tôi là mê đi Yard Sale cho tới bây giờ, hễ có ai rũ là đi liền, dù bây giờ đồ đạc đã quá đầy đủ ...nhưng là một cái thú.
Tôi nghĩ với ông bà BILL cũng là một cái thú, chứ họ đâu thiếu gì. Bà mua về cất đó, rồi một ngày bà mở Yard Sale bán, kêu tôi tới mua...Bà vẽ tranh và bán luôn tranh của bà, chúng tôi luôn là khách hàng của bà...ông cũng biết vậy, và để cho bà vui ông luôn nói nhỏ, tụi mày mua bao nhiêu, nói tao cho lại.
Trước khi ra về ông nhét vào túi áo, hay đưa cho tôi tiền đã trả cho bà.
Sau khi dọn đi, cứ một năm 2, 3 lần, cả gia đình tôi xuống thăm ông bà . Ông bà luôn đem chúng tôi đi ăn ở tiệm tàu ở Thamesville cách nhà độ 5,6 cây số.
Hai mươi mốt năm sau, kể từ cuối tháng 3 năm 1990, khi chúng tôi đặt chân xuống phi trường TORONTO, gia đình chú ra đón, cho ở lại Toronto một ngày để sắm sửa thêm ít áo quần, rồi hôm sau chở về BOTHWELL nơi ông bà BILL bảo trợ chúng tôi ở.
Ngày chúng tôi đến thì ông bà đi nghỉ ấm ở FLORIDA chưa về, nên cha ở nhà thờ Pentecôte ra đón chúng tôi. Cha lại quên chià khoá nhà, nên cha dẫn chúng tôi chui vào cửa sau ?

Căn nhà đã được chuẩn đầy đủ, từ giường ngủ đến thức ăn. Chúng tôi đến vào buổi tối , nên cũng vừa vặn chia nhau lên giường ngủ....
Hôm nay xuống thăm ông, tôi cảm thấy rất buồn, bàn tay ông ngày xưa hay làm việc ngoài đồng to và nhám...bây giờ nắm tay ông thấy nhỏ, ông xanh xao gầy gò, không còn gương mặt đỏ hồng, đẹp lão như ngày trước cách đây 20 năm.
Năm nay ông 90 tuổi gốc người GERMANY. Bà 86 tuổi ,da hồng hào mập mạp hơn trước, nhưng trí nhớ không còn, bà chẳng biết ai . Ông bị cancer colon? Ông vẫn biết
chúng tôi từng người một, thì thào hỏi, ông mĩm cười khi tôi chụp hình ông. Nina còn nhắc câu nói tiếng PHÁP của ông : TOUJOURS L'AMOUR...
Các con tôi biết nhiều về ông bà Bill hơn là ông bà ngoại ở VN...Mỗi đứa đám cuới đều được ông cho 500đô. Có lẽ ông quý gia đình tôi nhất, vì đứa nào cũng có đám cưới và có việc làm đàng hoàng.
Trước khi ra về Shane cháu nội ông ,con của BILL JUNIOR đưa chúng tôi ra tiệm ăn (tiệm tây), nó nói:
- Tôi sẽ gọi ngay khi nào GRANDPA có điều gì. Nina đùa :
- Mày nhớ nói Grandpa có đi thì từ Monday...để weekend tụi tao xuống !

NS