Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

TẠ ƠN


Tạ ơn với cả đất trời ,
Cho ta được sống cuối đời bình an .
Tạ tình với cả mọi người ,
Còn cho ta được những lời thương yêu .
Dẫu đời sóng gió dập dìu ,
Cũng còn lưu lại ít nhiều yêu thương .

Cám ơn bè bạn bốn phương ,
Cho ta những phút vấn vương tơ lòng .
Cho dù biển cạn non mòn ,
Cũng xin gìn giữ sắc son tình già !

NS

XÂY THƯ VIỆN TRƯỜNG BMT (Trước năm 1975)

Nhân đọc kỹ niệm học sinh xây THƯ VIỆN TRƯỜNG TRUNG HỌC BMT của HỒNG PHÝỢNG, làm tôi nhớ lại những kỹ niệm đẹp , của một thời xa xưa , tưởng đã đi vào trong lãng quên rồi .
Bây giờ chợt thức dậy, như người ngủ mê hơn 40 năm !
HP chỉ nói vật liệu để xây một cái phòng nhỏ, mà không nói vật liệu ở đâu ra , lấy từ đâu, và ai đi lấy , cát , đá , đất về để học sinh đúc thành những viên gạch .


Thật sự đây không phải là công việc cần đến sức lao động của học sinh , nhưng chỉ là một hình thức học và hành (có lẽ theo lối MỸ để tập cho học sinh biết thực hành những điều đã học trong sách vở)

Nhà thầu thư viện này là thầy BDC , Gs Anh văn của trường . Thầy làm thiện nguyện cho IVS (thời chính phủ KENNEDY của MỸ) , nên thầy cũng liên hệ đâu đó để mượn được chiếc xe GMC 10 bánh .
Cuối tuần thầy chở đám học trò của lớp lớn , như lớp HP (ĐỆ TAM , ĐỆ NHỊ .) đến cầu 14 để chở cát , hoặc vào rừng chặt cây .

Thầy CHI rủ tôi đi theo chơi .
Lần đầu một xe đầy cũng không biết bao nhiêu hs, thầy CHI lái đi cầu 14 lấy cát, đất, tôi cũng không nhớ rõ. Sau đó thấy đám hs kéo nhau đi sâu vào phía trong rừng có lẽ họ đi chặt cây, thầy CHI không đi , tôi cũng ở lại nơi bờ sông . Tôi và thầy xuống mé sông , có chiếc thuyền . Thầy bảo tôi :

- Bà lên thuyền tôi chèo ra chơi, tôi tuy không biết bơi , nhưng cũng ngồi đại cho thầy chèo, mà không biết là thầy chèo thuyền có được không, nhưng sao thuyền cứ loanh quanh chỉ có một chỗ , mà tôi cũng không biết . Xong thầy ngồi xuống nói chuyện, thầy hỏi về tôi đôi chút, tôi cũng thành thật trả lời ...Chuyện cũng không đâu vào đâu ...cho đến khi đám hs trở ra, thì chúng tôi cùng về .

Lần thứ hai thì đi ĐỒI GIANG SÕN ĐỨC MẸ, vùng này nghe nói là thuộc giang sơn của VC . Người dân ở đó đa số là BẮC di cư , nên chắc họ không mấy thích VC . Nhưng mấy ông VC thì chỉ về ban đêm , còn ban ngày vẫn bình thường .

Đồi GS rất cao , xe GMC 10 BÁNH mới chạy lên nổi . Lần này ngồi đàng trước xe ngoài thầy CHI lái xe , còn có tôi , và một cô thông dịch IVS BARBARA , cô này mặc áo thun màu đỏ , nên cũng ớn. VC không bắn, chứ họ nhắm là tiêu hết.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy thầy CHI này thuộc loại điếc không sợ súng , dám kéo cả bầy con nít vào rừng chơi , mà có cả MỸ nữa chứ. Lúc đó là thời điểm chiến tranh mới bắt đầu (khoảng năm 1963- 64) nên không sợ mấy .

Tôi không nhớ lên đồi này làm gì, chặt cây hay là đi ngoạn cảnh , mà cứ kéo nhau lủ lượt đi , rồi về bình yên !(có lẽ hỏi lại thầy Chi mới rõ )
Đây là những kỹ niệm của thời xa xưa , không có gì đặc biệt nên đã trôi theo thời
gian suốt mấy mươi năm qua .

Bây giờ thấy HP nhắc lại việc xây cất, nên tôi cũng muốn ghi lại nơi đây đôi chút kỹ niệm xưa . Còn tình cảm mơ hồ nào đó, thì cũng theo giòng thời gian mà đi . . .

SKNS

KỸ NIỆM

Trước bảy lăm, mình dạy học vài ba trường trong Thị xã Ban-mê-Thuột.
Trường đầu tiên là “Bán công”còn gọi là “Tỉnh hạt” – học trò mình nay đã là ông, bà nội ngoại và một số cũng đã thành danh. Mình cũng dạy thêm trường Hưng Đức – trường Đạo do một cha cố làm Hiệu trưởng. Trường thứ ba là Trường Trung học Tổng hợp Ban-mê-thuột, trường công duy nhất ở Thị xã.
Vì dạy đến ba trường, nên bạn dạy học cũng khá đông. Trong đó, có nhiều bạn rất thân vì đa số trước kia cùng học cùng lớp, cùng trường thời trung học.

Nhớ lúc còn là học sinh trung học, dạo đó trường chưa có Thư viện, nên việc tham khảo thêm tài liệu của học sinh rất hạn chế.
Thầy Bùi Dương Chi, giáo sư Anh Văn của trường, đã có sáng kiến thành lập một Thư viện cho trường do chính học sinh của trường xây cất.

Nhớ lại thưở đó mình không khỏi giật mình – gần năm mươi năm trôi qua – thảo nào mình nay cũng đã là một “lão bà” .
Được cùng nhau lao động, xây dựng Thư viện cho nhà trường là niềm vui và vinh dự cho học sinh chúng mình. Các tình nguyện viên làm theo nhóm : nhóm khuân gạch, đá, sỏi; nhóm đúc gạch, tableau; nhóm vận chuyển; nhóm có tay nghề hơn thì đặt móng, tô trát tường, quét vôi, lợp mái … Thư viện được xây ở một góc trường với đội ngũ thợ nghiệp dư nên dù chỉ là một căn phòng nhỏ với diện tích vài chục mét vuông, nhưng thời gian thi công cũng kéo dài gần ba tháng.
Nắng làm, mưa nghỉ, buồn vui với công việc đôi khi quên cả học bài. Vào lớp, nếu gặp giờ Anh Văn của Thầy Chi, dò bài không thuộc đành cười trừ.
Thư viện trông cũng khang trang, tủ sách khá đầy đủ các thể loại; đặc biệt môn tiếng Anh có nhiều và giá trị.
Những kỷ niệm học đường còn có các buổi cắm trại tất niên; được thoát ly gia đình, cùng bạn bè chuyện trò, ca hát, nhảy múa quanh lửa trại cả đêm. Sáng hôm sau, mắt cay xè, ngái ngủ và người lâng lâng chực ngã.

Ngoài học đường là kỷ niệm về những ly chè đá trong những buổi trưa hè nóng bức, ôi sao “tuyệt cú mèo” và những chiều lang thang cùng bạn bè, chia sẻ với nhau những suy nghĩ non nớt, thơ ngây. Thời kỳ hồn nhiên đã trôi qua như thế.

Bước ngoặt cuộc đời “sóng gió, nghiệt ngã”, nhưng cũng để đời hơn là “giai đoạn làm thầy”. Thầy hay trò đều liên quan đến “Chữ”mà “Chữ” thì vô cùng : “Học nữa, học mãi” luôn là chân lý. Vì thế, đến lúc nầy, dù đã “lục tuần”, mình vẫn còn phải học để dạy cho thế hệ sau mình – một thế hệ mà chúng ta, người được gọi là thầy đều phải trân trọng, đôi khi còn tôn là “thượng đế”, vì nếu không khéo thì “thượng đế” có thể làm cho mình mất nồi cơm đấy !.
Đùa thế thôi, cho dù thời đại nào, mới hay cũ, xưa hay nay thì thầy vẫn được tôn trọng, bỡi thế mới có “Ngày 20/11” phải không nào ?

Thôi nhé, người nhắc chuyện xưa xin được dừng, nhường chỗ cho những ai đang đợi tới phiên mình và còn phải xem lại bài để “lên hay xuống lớp” nữa.

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

H.P

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

ĐIỆU LÍ LƠI

Một góc vườn xinh đầy sắc hoa
Trắng vàng tím đỏ hương lan toả
Mặt trời lấp ló sau vòm lá
Lấp lánh hạt mưa đọng tối qua

Đung đưa trong gió chiều vừa ghé
Vũ điệu bướm hoa muôn sắc khoe
Dìu bước nhau đi vào lễ hội
Chan hoà nắng gió những ngày hè

Chim chóc hoà ca điệu lí lơi
Yêu nhau cởi nhẫn trao nhau rồi
Ngại gì bão táp mưa sa đến
"Một cõi đi về" luôn có đôi .

PHƯỢNG HỒNG

BỂ KHỔ

Chiếc lá vàng buông nhẹ xuống đời
Phơi mình trong nắng gió chơi vơi
Không còn nhựa sống muôn ngày tới
Ngày một ngày hai im ắng đời

Ngắm lá vàng rơi lại thấy buồn
Kiếp người kết thúc ,một hồi chuông
Tiển đưa thân xác về vô tận
Lạnh lẽo đơn côi một góc trời

On đời ban tặng thật mênh mông
Sắc sắc không không trĩu cả lòng
Mê mãi quay cuồng trong tửu sắc
Bể khổ,trầm luân dứt được không ?

Đời người như một giấc chiêm bao
Mộng mị vây quanh tựa chiến hào
Tỉnh giấc rồi mong mõi ước ao
Ngày sau sống một đời thanh cao !

HP

TRẢ NỢ ĐỜI

"Mắc cỡ" tên em nghe thật hay
Sao em ghép kín trái tim gầy
Thèn thùng e ấp chi em hởi
"Trinh nữ" cùng anh say bữa nay

Ta say trời đất cũng lăn quay
Em đứng đó làm ta ngất ngây
Quên hết sự đời trên cõi trọc
Chỉ còn áo mỏng quyện hương bay

Ta tưởng mình đang ở cõi tiên
Khi xưa Lưu Nguyễn lạc Đào Nguyên
Tháng ngày quên hết,quên quên hết
Quên cả người thân,cả bạn hiền

"Trinh nữ" em ơi,đêm hết rồi
Ngày xưa em trả lại ta thôi
Bên em ta thấy mình mê muội
Ta muốn từ nay ...trả nợ đời .

HỒNG PHƯỢNG

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

CON BÚP BÊ CỦA TÔI




Hồi còn nhỏ, ai cũng thích chơi búp bê, nhưng cha mẹ lúc bấy giờ chẳng mấy để ý đến con cái, không cần biết chúng thích gì. Con cái thì muốn cái gì đó, nhưng không dám nói. Vì chắc gì đã được cho.

Tôi không nhớ khi ấy mình bao nhiêu tuổi, nhưng tôi thích chơi búp bê và những căn nhà bằng những miếng gỗ vụn sắp chồng lên nhau, như bây giờ trẻ con có những cục Lego gắn vào nhau để xây đủ thứ ...lâu đài, nhà cửa ,xe cộ...
Nhà tôi là một trại mộc nên có nhiều gỗ vụn, và sau những giờ học, rảnh rỗi ,không phải giữ em ...Tôi là chị thứ hai của gia đình . Chị cả tôi, thì lo việc nhà cửa, nấu nướng ăn,c òn tôi thì giữ em. 5 đứa em tiếp tôi là PH,H, TH,T,Đ phải bồng bế, cho ăn, cho ngủ và cho chơi luôn.


PH hồi đó là bự nhất, mà tôi thì nhỏ bé, mỗi lần bồng PH là mọi người gọi tôi là mèo tha dưa cải. Vậy mà hồi đó tôi không bao giờ than thở, mà coi đó như là bổn phận . Đứa nào mà té là tôi ăn đòn . Bây giờ nghĩ lại sao vô lý vậy hả ?
Tuy vậy tôi vẫn có cái thú riêng của mình, thỉnh thoảng rảnh rỗi, tụi nó ngủ hay ở đâu đó, tôi trốn vào một góc nhà dọn đồ chơi của mình ra và ngồi sắp thành một ngôi nhà, có phòng ngủ có giường, bàn, ghế, tủ và có người ở. Người ở của tôi là một con búp bê, không tay không chân, mà không biết tôi lượm ở đâu.Tôi phải tìm vải băng bó cho nó như quấn một em bé sơ sinh, để khỏi ai thấy nó không có tay chân...tôi ngồi hì hục quấn trước sau, có khi quấn xong thì sút, vì vải nhỏ, hay vì con búp bê trơn cứ tụt vải ra, tôi phải làm đi làm lại nhiều lần, mà nó vẫn cứ sút, tôi tức mình quăng cái đụi ra ngoài, và khóc...Rồi đi lượm lại cất đi, không chơi nữa.

Hôm sau lại tiếp tục ..cho đến một hôm tình cờ BA tôi thấy con búp bê tội nghiệp bị băng bó khắp người, cụt tay cụt chân, ba tôi mới biết là tôi thích chơi búp bê...và ông phán một câu, con thích chơi búp bê hả, thôi liệng con nầy đi, lấy sổ này tới tiệm VỈNH PHÁT mua một con khác...Tôi mừng quá, vội vô xách sổ chạy bay tới tiệm để chỉ một con búp bê. Ông chủ tiệm người Tàu nghi ngờ hỏi BA NỊ có cho không đó ? Tôi nói có, BA tui cho thiệt, hỏi ổng đi ...và từ đó tôi khỏi băng bó nữa, và còn may quần áo cho nó ...con búp bê là niềm hạnh phúc nhất của tôi thuở ấy...
SK

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

BA TÔI


Ba tôi đội mủ bê rê
Đẹp lão, phong độ, chẳng chê chút nào
Nhà tôi tố nữ 10 nàng
Ra vô nườm nượp, khách hàng hỏi han
Ba tôi quản lý đàng hoàng
Đứa nào sớn sát, dàn chào roi mây
Anh nào gan mỏng da dày
Sợ đi cửa trước, chọn rày cửa hông
Cuộc đời trước ngó sau trông
Nhưng rồi không khỏi long đong phận người !
Má tôi lo lắng trong ngoài
Một bầy con gái quả là.. lắm bom !


Ba tôi thì thật hào hoa
Ra ngoài không biết bao bà vây quanh
Bà làm y tá CÔ NĂM
Chuyên lo săn sóc thuốc thang tận tình
Cô QÙY lo việc nấu ăn
Mỗi lần ba lảnh cầu đường trong BUÔN
Một cô CẨM LỆ thơm ngon
Một bà thơ phú, đối, hò cũng hay
Má tôi mặc kệ ba bay
Miễn sao nhà cửa, tiền đầy đủ lương
( Vì Ba tuyên bố MÁ MÀY SỐ 1)
Ba tôi thương vợ, chăm con
Cửa nhà êm ấm, có còn chi hơn
Bữa ăn ngồi lại cháu con
Một bình rượu chát, cả nhà 10 ly
Cơm, rau, thịt, cá đều chia
Không ăn thì để nhường phần người sau
Chuyện BA càng kể càng lâu
Bây giờ ba mất, lòng đau nhớ hoài
Rằm này sắp giáp một năm
Chị em tôi lại bàn ngày giổ BA
Bàn thờ hương khói đậm đà
Nụ cười ba đó ÔNG GIÀ BÊ RÊ !

KIMCHI

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

ĐỢI


Trăng đợi em dưới lầu
Em giờ ở nơi đâu
Sầu thương trăng úa màu


Trăng đợi em trên cầu
Soi bóng nước đêm thâu
Khắc khoải chờ bóng câu

Trăng lơ lững một đời
Nỗi buồn sâu vời vợi
Hai hàng châu lệ rơi !

HP

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

VẦNG TRĂNG


Vẫn vầng trăng xanh xao
Lơ lững giữa trời cao
Đợi tình vui lên tiếng
Trong gió ngàn lao xao

Vầng trăng vẫn chưa tròn
Ôm cuộc tình héo hon
Tuổi xuân không trở lại
Tình buồn dáng hao mòn

Vầng trăng khuyết thật rồi
Tình hoài mòn mõi đợi
Tình lẽ bóng đơn côi
Tình chết lặng bên đời !

HP

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

LỐI RẼ


Đường em đi sao quá nhiều lối rẽ
Lối rẽ nào sẽ ngáng bước chân anh
Góc đời dài vốn cần người chia xẽ
Mà đường đi thì cứ mãi xa thêm

Ráng cho hết những chặng đường còn lại
Với ước mơ hạnh phúc lên ngôi
Nhưng tình ơi mãi mãi xa rồi
Hoàng hôn xuống tắt một màu dang dỡ

Giờ có nhau cũng trở thành vô nghĩa
Con đường nào dẫn tới chỗ gặp nhau
Có chờ chăng một phép thuật nhiệm màu
Dẫu chỉ tay đã rõ đường định mệnh

Thôi chấp nhận những thương đau yêu mến
Như món quà Thượng Đế đã ban cho
Những tình nhân đã lỡ cuộc hẹn hò
Hẹn kiếp sau thuyền tình chung một lối !

LÁTHU VÀNG