Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

KỸ NIỆM

Trước bảy lăm, mình dạy học vài ba trường trong Thị xã Ban-mê-Thuột.
Trường đầu tiên là “Bán công”còn gọi là “Tỉnh hạt” – học trò mình nay đã là ông, bà nội ngoại và một số cũng đã thành danh. Mình cũng dạy thêm trường Hưng Đức – trường Đạo do một cha cố làm Hiệu trưởng. Trường thứ ba là Trường Trung học Tổng hợp Ban-mê-thuột, trường công duy nhất ở Thị xã.
Vì dạy đến ba trường, nên bạn dạy học cũng khá đông. Trong đó, có nhiều bạn rất thân vì đa số trước kia cùng học cùng lớp, cùng trường thời trung học.

Nhớ lúc còn là học sinh trung học, dạo đó trường chưa có Thư viện, nên việc tham khảo thêm tài liệu của học sinh rất hạn chế.
Thầy Bùi Dương Chi, giáo sư Anh Văn của trường, đã có sáng kiến thành lập một Thư viện cho trường do chính học sinh của trường xây cất.

Nhớ lại thưở đó mình không khỏi giật mình – gần năm mươi năm trôi qua – thảo nào mình nay cũng đã là một “lão bà” .
Được cùng nhau lao động, xây dựng Thư viện cho nhà trường là niềm vui và vinh dự cho học sinh chúng mình. Các tình nguyện viên làm theo nhóm : nhóm khuân gạch, đá, sỏi; nhóm đúc gạch, tableau; nhóm vận chuyển; nhóm có tay nghề hơn thì đặt móng, tô trát tường, quét vôi, lợp mái … Thư viện được xây ở một góc trường với đội ngũ thợ nghiệp dư nên dù chỉ là một căn phòng nhỏ với diện tích vài chục mét vuông, nhưng thời gian thi công cũng kéo dài gần ba tháng.
Nắng làm, mưa nghỉ, buồn vui với công việc đôi khi quên cả học bài. Vào lớp, nếu gặp giờ Anh Văn của Thầy Chi, dò bài không thuộc đành cười trừ.
Thư viện trông cũng khang trang, tủ sách khá đầy đủ các thể loại; đặc biệt môn tiếng Anh có nhiều và giá trị.
Những kỷ niệm học đường còn có các buổi cắm trại tất niên; được thoát ly gia đình, cùng bạn bè chuyện trò, ca hát, nhảy múa quanh lửa trại cả đêm. Sáng hôm sau, mắt cay xè, ngái ngủ và người lâng lâng chực ngã.

Ngoài học đường là kỷ niệm về những ly chè đá trong những buổi trưa hè nóng bức, ôi sao “tuyệt cú mèo” và những chiều lang thang cùng bạn bè, chia sẻ với nhau những suy nghĩ non nớt, thơ ngây. Thời kỳ hồn nhiên đã trôi qua như thế.

Bước ngoặt cuộc đời “sóng gió, nghiệt ngã”, nhưng cũng để đời hơn là “giai đoạn làm thầy”. Thầy hay trò đều liên quan đến “Chữ”mà “Chữ” thì vô cùng : “Học nữa, học mãi” luôn là chân lý. Vì thế, đến lúc nầy, dù đã “lục tuần”, mình vẫn còn phải học để dạy cho thế hệ sau mình – một thế hệ mà chúng ta, người được gọi là thầy đều phải trân trọng, đôi khi còn tôn là “thượng đế”, vì nếu không khéo thì “thượng đế” có thể làm cho mình mất nồi cơm đấy !.
Đùa thế thôi, cho dù thời đại nào, mới hay cũ, xưa hay nay thì thầy vẫn được tôn trọng, bỡi thế mới có “Ngày 20/11” phải không nào ?

Thôi nhé, người nhắc chuyện xưa xin được dừng, nhường chỗ cho những ai đang đợi tới phiên mình và còn phải xem lại bài để “lên hay xuống lớp” nữa.

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

H.P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét